Qua 4 năm thực hiện Chương trình hành động số 08-Ctr/HU của Huyện ủy An Lão về “Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016- 2020”. Huyện An Lão đã tiếp tục chỉ đạo ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại về đất đai, không để tồn tại kéo dài; thực hiện có hiệu quả công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc…, nhiều hộ dân đã đổi đời nhờ kinh tế rừng…
Huyện An Lão hiện có hơn 60.209ha rừng và đất lâm nghiệp, tăng 1.077ha so với năm 2015, bao gồm 22.682ha rừng đặc dụng, 23.870ha rừng phòng hộ và hơn 13.657h a đất rừng sản xuất. Bên cạnh việc bảo vệ chặt chẽ những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, huyện còn phát triển rừng nguyên liệu, rừng lấy gỗ. Đến nay, huyện đã thực hiện giao khoán, bảo vệ hơn 22.737 ha rừng các loại. Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên ở vùng đầu nguồn giúp người dân có thu nhập ổn định, vừa góp phần điều hòa khí hậu và tăng đa dạng sinh học. Ngoài ra, huyện An Lão cũng đã tiến hành giao đất, cho thuê 1.208,4ha đất lâm nghiệp lâu dài để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư trồng rừng thâm canh, rừng gỗ lớn, hạn chế tình trạng xâm lấn đất rừng. Nhờ vậy độ che phủ rừng hàng năm trên địa bàn huyện đều tăng từ 0,4 đến 2,4%. Nếu như độ che phủ rừng năm 2016 đạt 78% thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên 81,5%. Điều đáng mừng là tình trạng phá rừng đã được ngăn chặn triệt để, năm 2016 trên địa bàn huyện đã phát hiện và xử lý 162 vụ phá rừng làm thệt hại hơn 168ha rừng; năm 2017 xả ra 29 vụ phá rừng làm thiệt hại 74,3 ha rừng; năm 2018 chỉ xảy ra 01 vụ phá rừng gây thiệt hại 0,4ha rừng thì năm 2019 huyện An Lão không có vụ phá rừng nào xảy ra. Ông Đinh Văn Đông, Trưởng ban quản lý bảo vệ rừng cộng đồng tại Thôn 3, xã An Nghĩa cho hay: “ Hiện tại, Thôn 3, xã An Nghĩa có 40 hộ tham gia các Tổ cộng đồng quản lý bảo vệ 332ha rừng đầu nguồn. Các Tổ đã thường xuyên cử lực lượng tuần tra, truy quét trên diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ, nên nhiều năm nay tình trạng xâm hại rừng đã được ngăn chặn có hiệu quả. Tuy nhiên việc giao khoán kinh phí quản lý bảo vệ rừng cộng đồng chỉ thực hiện 01 lần không có chu kỳ; Các sản phẩm phụ dưới tán rừng còn nghèo nàn nên người dân không có thu nhập gì thêm. Rất mong Nhà nước xem xét tăng định mức kinh phí hàng năm cho lực lượng bảo vệ rừng cộng đồng, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ người dân trồng các loại dược liệu, cây nguyên liệu dưới tán rừng, tăng thêm thu nhập kinh tế hộ, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng chung tay bảo vệ rừng”. Từ nhiều năm nay huyện An Lão đã cử cán bộ tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân tập trung trồng rừng gắn với bảo vệ và khai thác sản phẩm từ rừng. Đến nay, toàn huyện An Lão đã có gần 28.000 ha rừng trồng với hơn 70% số hộ dân trong huyện có đời sống gắn với kinh tế rừng. Điển hình như gia đình anh Đinh Văn Krô ở xã An Vinh đã chuyển 3 ha đất đồi sang trồng keo lai từ năm 2005. Theo anh Krô, cây keo rất thích hợp với chân đất, điều kiện khí hậu ở An Lão, người trồng keo chỉ cần bỏ công chăm sóc năm đầu tiên, các năm sau cây keo tự sinh trưởng, phát triển. Với giá gỗ keo nguyên liệu hiện nay đạt hơn 1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí mỗi đợt gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng. Còn hộ anh Đinh Văn Lâm, ở Thôn 4, xã An Dũng, năm 205 bắt đầu chuyển 02 ha đất đồi trước đây trồng mì, chuối, thơm... hiệu quả kinh tế thấp sang trồng keo lai. Đến nay, gia đình anh Lâm đã 03 đợt khai bán keo nguyên liệu, mỗi đợt có lãi hơn 120 triệu đồng. Theo ông Đỗ Tùng Lâm Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão: Hiện nay, huyện đang tái cấu trúc toàn diện ngành Lâm nghiệp, trong đó tiến hành trồng thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu. Nhân rộng mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; xem xét tăng phí để tăng thêm mức thu nhập cho người dân quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư, quy hoạch và xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản sau khai thác từ rừng trồng. Ông Nguyễn Hùng Nam-Giám Đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn chia sẽ: “Hiện nay, rừng đặc dụng An Toàn ( có Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn) với tổng diện tích hơn 26.000 ha thuộc quyền quản lý, bảo vệ của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, đây là khu rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú. Việc quản lý bảo vệ rừng ở đây được thực hiện chặt chẽ 24/24 giờ. Mấy năm trở lại đây tỉnh và huyện đã thống nhất chủ trương cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng cây dược liệu sạch, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 200ha cây mây tự nhiên, chăm sóc nhân rộng cây chè Tiến Vua, bảo vệ và khai thác hơn 300ha sim rừng…”. Huyện An Lão cũng đã khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển về giống cây trồng; quy hoạch khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm. Huyện thực hiện giao đất, giao rừng, mở rộng diện tích rừng sản xuất, rừng lấy gỗ, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào vùng cao, góp phần giảm nghèo bền vững... Ngoài ra, với khí hậu ôn đới, mát mẻ, thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, An Toàn rất phù hợp để phát triển một vùng du lịch ổn định trong tương lai. Mục tiêu của huyện An Lão từ nay đến năm 2020, tiếp tục giao khoán hơn 22.737 ha rừng; trồng 1.800 ha rừng ổn định mỗi năm; giao đất, cho thuê 1.166 đất lâm nghiệp. Phấn đấu hết năm 2020, hoàn thành khoanh nuôi 300 ha mây tự nhiên; trồng 60 ha cây dược liệu; xây dựng 10 - 15 mô hình kinh tế nông lâm kết hợp; 8 - 10 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng rừng có giá trị kinh tế cao… Huyện An Lão đã và đang phát huy thế mạnh về rừng và đất rừng, phát triển mạnh một vùng lâm nghiệp bền vững để người dân địa phương sớm thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng từ sản xuất nông-lâm nghiệp ./.