Hướng dẫn chuồng trại chăn nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học và nội dung cam kết chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh để được hỗ trợ phát triển tái đàn heo

Thứ sáu - 26/06/2020 07:26
Để đảm bảo các điều kiện chuồng trại an toàn sinh học và cam kết chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh để được hỗ trợ phát triển tái đàn heo theo hướng dẫn của Sở NN &PTNT huyện,  UBND huyện vừa có văn bản hướng dẫn các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung về điều kiện chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học và nội dung cam kết chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh để được hỗ trợ phát triển tái đàn heo, theo đó:
Về yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi:
- Chuồng nuôi theo công nghệ chuồng lạnh, hoặc chuồng có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi…).
- Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh.
- Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi.
- Nên có ô chuồng nuôi cách ly: nuôi heo mới nhập hoặc nuôi heo bị bệnh.
- Có khu vực thu gom và xử lý chất thải.
- Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8-1m) để giảm thiểu heo giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau.
 - Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng.
- Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín. Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung.
Về nội dung cam kết thực hiện phòng, chống dịch bệnh:
Yêu cầu về con giống: Heo nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Đối với heo nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy kiểm dịch, heo nhập trong tỉnh phải có xác nhận của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.
Thức ăn và nước uống: Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn heo đã xuất chuồng và thức ăn của đàn heo đã bị dịch bệnh cho đàn heo mới.
- Nguồn nước cho chăn nuôi heo phải đảm bảo an toàn.
- Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho heo.
Chăm sóc, nuôi dưỡng:
- Áp dụng phương thức quản lý "cùng vào-cùng ra" theo thứ tự ưu tiên: dãy chuồng, ô chuồng.
- Thực hiện quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại heo theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi:
- Hạn chế tối đa người ngoài vào khu vực chuồng nuôi.
- Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng.
- Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào khu chăn nuôi, chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày, cần thay đổi các loại chất sát trùng để tăng hiệu quả sát trùng.
- Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần; phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên heo ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng.
- Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên.
- Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi:
- Không để các phương tiện như xe máy, xe đạp, xe đẩy, xe thồ… trong khu chuồng nuôi heo.
- Phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Đặc biệt, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi heo. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển.
- Nên có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, trường hợp dùng chung thì phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng.
Xử lý chất thải chăn nuôi:
- Chất thải được gom để xử lý phải để cuối chuồng, xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước.
- Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hóa chất, hoặc xử lý bằng sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh theo quy định hiện hành của thú y.
- Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp.
Quản lý dịch bệnh:
- Có quy trình phòng bệnh phù hợp từng loại heo và thực hiện đúng quy trình. Trong trường hợp có dịch, phải khai báo chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về phòng, chống dịch.
- Tiêm đầy đủ các loại vaccin thông thường phòng bệnh cho heo như: Dịch tả, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, Tai xanh, E.coli…
- Thực hiện ghi chép và lưu giữ nhật ký chăn nuôi.
Được biết, thực hiện Quyết định 2046 của UBND tỉnh, huyện An Lão đã tiến hành rà soát, kiểm tra và ra quyết định phê duyệt 131 hộ chăn nuôi đủ điều kiện được vay ưu đãi theo Quyết định 2046/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh đề đầu tư tái đàn heo sau dịch bệnh heo Châu Phi. Trong đó, xã An Hòa có 50 hộ, xã An Tân có 43 hộ và thị trấn An Lão 38 hộ.

 

Tác giả bài viết: T.N

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây