Đẹp cảnh quan, lợi kinh tế với Mô hình ruộng lúa bờ cau ăn trái

Thứ sáu - 09/07/2021 13:52
Những năm qua, mô hình trồng cau ăn trái trên bờ ruộng lúa được nhiều nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện An Lão áp dụng. Mô hình vừa tạo thêm nguồn thu nhập vừa có tác dụng dẫn dụ thiên địch đến ăn sâu rầy hại lúa và tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho vùng nông thôn miền núi.
Đẹp cảnh quan, lợi kinh tế với Mô hình ruộng lúa bờ cau ăn trái
Đơn cử như mô hình trồng cau ăn trái dọc theo các bờ ruộng của gia đình anh Đinh Văn Rơm (Thôn 2, Thị trấn An Lão) đã mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định, ruộng lúa của gia đình cũng đạt năng suất chất lượng cao, ít tốn chi phí phân thuốc trong quá trình sản xuất lúa.
Hơn 03 năm trở lại đây, nhờ học tập kinh nghiệm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không sử dụng phân thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Rơm cũng như nhiều bà con đồng bào khác trong thôn chọn trồng cây cau ăn trái ven các bờ ruộng lúa của gia đình. Bởi cây cau ăn trái đã gắn bó lâu dài và mang lại thu nhập cao cho bà con nơi đây, cây dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều.
Anh Rơm cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với cây cau ăn trái hơn 30 năm nay. Cây cau chủ yếu được gia đình trồng ở vườn, đồi núi. Tuy nhiên, những năm gần đây, để tận dụng diện tích trồng cây cau ăn trái kết hợp với trồng lúa; Gia đình đã thực hiện mô hình trồng cau ăn trái trên bờ ruộng với hơn 45 cây cau quanh 03 sào ruộng.
Sau 3 năm, cây cau ăn trái của gia đình đã cho trái thu hoạch. Trung bình một cây  cho khoản 10 - 15 kg cau trái, thu về cũng trên dưới 200 nghìn đồng. Ngoài cây lúa, thì gia đình còn có thêm nguồn thu nhập khá lớn từ cây cau trên bờ ruộng...”.
Hiện nay, hầu hết người dân ở các xã miền núi như An Vinh, An Trung, An Quang,...đều thực hiện mô hình ruộng lúa, bờ cau ăn trái. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo môi trường an toàn trong sạch được ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân áp dụng và nhân rộng trên địa bàn huyện.
Việc áp dụng mô hình này sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo được cân bằng sinh thái trên đồng ruộng và còn giúp nông dân bảo vệ sức khỏe, nâng cao trình độ kỹ thuật, nhất là trong quản lý dịch hại trên ruộng lúa. Ðây là một mô hình rất có triển vọng, phù hợp với địa hình, khí hậu địa phương, góp phần phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, cây cau ăn trái có giá trị kinh tế tương đối cao, đã giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình./.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây