“Chợ di động” ở miền núi An Lão

Thứ hai - 28/12/2020 10:40
Những chuyến xe máy chở đầy hàng hóa của tiểu thương miền xuôi mang đến vào mỗi buổi sáng trở thành hình ảnh quen thuộc đối với người dân vùng cao An Lão. Những chuyến xe này len lỏi qua từng thôn, xóm cung cấp đầy đủ nhu cầu về thực phẩm nên bà con vẫn thường gọi là chợ “di động”.
“Chợ di động” ở miền núi An Lão
Do đặc thù công tác, tôi có dịp đi đến nhiều xã vùng cao trong huyện, những chuyến chợ “di động” trở thành nét đặc trưng riêng biệt mà mỗi ai khi đến đây đều dễ dàng bắt gặp. Xe hàng bon bon trên từng con đường với âm thanh rao bán hàng đặc trưng của từng tiểu thương làm cho hình ảnh miền cao trở nên sinh động và rộn ràng hơn.

Do địa bàn các xã vùng cao khá rộng, nhiều khu vực bị cách trở bởi sông suối nên việc đi chợ của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhờ những chuyến chợ “di động” này mà việc tiếp cận với nguồn thực phẩm đa dạng trở nên dễ dàng hơn. Cảnh mua bán của chợ “di động” cũng rất đơn giản. Thông thường, hàng hóa được các tiểu thương đặt cân bằng sau đuôi xe gắn máy, người bán chạy đến đâu thì rao hàng đến đó, cứ thế bà con lại đến mua. Đôi khi vắng khách, tiểu thương chạy đến tận nhà người dân để chào hàng. Hầu hết những thực phẩm mà các tiểu thương bán cho bà con như: thịt, cá, rau và một số nhu yếu phẩm khác.
Sáng sớm, khi sương còn đọng lại trên những vạt rừng nguyên sinh, chị Nguyễn Thị Thêm, thị trấn An Lão đã đến trung tâm xã An Vinh rồi chuyển hướng về xã An Trung, An Dũng. Đối với chị Thêm, 2 chiếc giỏ thồ hàng gắn bó gần 10 năm qua đã giúp chị thuộc nằm lòng từng thôn, xóm, tên của người dân địa phương. Bất kể ngày nắng hay mưa, ngày nào chị cũng vượt cung đường cheo leo gần 30 km để thồ hàng lên An Vinh bán. Chị Thêm chia sẻ: Bà con địa phương thường đi rẫy từ rất sớm, nên mình phải tranh thủ đến kịp để bà con còn mua. Có lúc mình còn chạy đến những khu vực rất xa của xã để bán hàng, dù có vất vả nhưng miễn là bà con cần mình là được. Cũng có những lúc, nhiều bà con không có tiền trả, tôi sẵn sàng trao đổi ngang giá hàng hóa của mình với nhiều loại nông sản của bà con.
Do thói quen mua thực phẩm từ sớm để mang lên rẫy của bà con vùng cao, nên chợ “di động” chỉ kéo dài trong thời gian ngắn từ 5 đến 9 giờ sáng. Chị Đinh Thị Thia, thôn 2, xã An Vinh chia sẻ: Nhờ có những tiểu thương bán hàng như thế này mà bà con mình không còn mất nhiều thời gian để đến chợ mua thức ăn hằng ngày. Chất lượng hàng hóa rất ổn mà giá cả cũng không dao động nhiều so với ở miền xuôi, nên bà con mình yên tâm mua dùng.
Nhiều tiểu thương cho rằng tuy số lượng hàng hóa ít nhưng đầy đủ các loại thì sẽ thu hút bà con mua hàng nhiều hơn so với chuyên bán một loại. Chỉ cần ghé lại chiếc xe chở hàng của tiểu thương, bà con có thể mua đầy đủ các loại thực phẩm cần thiết dành cho bữa cơm gia đình.
Những năm gần đây, đời sống của người dân miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực do đó mà nhu cầu về tiêu dùng cũng ngày càng tăng cao. Những chuyến xe máy chở đầy hàng hóa vượt qua nhiều đoạn đường dài mang đến vùng cao không chỉ đáp ứng đầy nhu yếu phẩm cho người dân mà còn là niềm tin của cả tiểu thương và người dân địa phương về cuộc sống đầy đủ và ấm no hơn.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây