An Lão là huyện vùng cao nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Bình Định, cư dân chủ yếu là người Kinh, H’re, Bana, mỗi dân tộc mang một bản sắc văn hóa riêng và cùng có truyền thống tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết, anh dũng đấu tranh chống áp bức, xâm lược bảo vệ bản làng, quê hương. LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT Cùng với sự phát triển của dân tộc Việt Nam với các nền văn hóa Hòa Bình- Bắc Sơn, văn minh sông Hồng, sông Mã, cư dân của nền văn hóa Sa Huỳnh đã sớm định cư trên mảnh đất An Lão. Vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên đã xuất hiện nhà nước đầu tiên của người Việt, đó là nhà nước Văn Lang, dưới sự trị vì của các Hùng Vương. Từ năm 316 trước Công nguyên, dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung quốc, An Lão thuộc huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam. Đến năm 192 người trong quận làm chức Công Tào tên là Khu Liên đã giết viên huyện lệnh chiếm đất và tự phong là Lâm Ấp vương, về sau là nước Chiêm Thành, Chăm Pa. Năm 1471, trong công cuộc mở mang bờ cỏi về phía Nam, vua Lê Thánh Tông lập thừa tuyên Quảng Nam, từ đó An Lão thuộc vùng phiên trấn ở cực Nam của nước Đại Việt. Từ năm 1858, sau khi thực dân pháp nổ súng xâm lược nước ta và cơ bản “bình định” được vùng đồng bằng, chúng bắt đầu chiếm đất đai, lập ra đồn An Lão, trực tiếp cai trị các làng về mặt hành chính, an ninh, thu thuế,… hoặc thông qua bộ máy tổng, lý người địa phương. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính quyền cách mạng đã xác lập đơn vị hành chính từ cấp xã đến cấp huyện; trong đó huyện An Lão được thành lập vào tháng 4/1947. Năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, theo hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Tháng 3/1955, ngụy quyền Sài Gòn tiếp quản An Lão, chúng lập nha hành chính đóng tại thôn Xuân Phong (nay là thôn Xuân Phong Bắc), tháng 5/1958 Nha hành chính An Lão được đổi thành quận An Lão gồm 27 xã. Ngày 6/4/1965, sau khi chịu tổn thất nặng nề bởi cuộc tấn công của quân ta làm nên chiến thắng An Lão (7/12/1964), Ngụy quyền Sài Gòn đã cải biến quận An Lão thành cơ sở phái viên, đặt trực thuộc quận Hoài Nhơn, trụ sở đóng tại thôn Mỹ Đức (Hoài Ân). Năm 1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, tháng 1/1976 Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập huyện Hoài An, trên cơ sở hợp nhất 2 huyện Hoài Ân và An Lão, với 18 xã gồm 105 thôn. Năm 1981, để thuận lợi trong việc quản lý hành chính và phát triển kinh tế, Hội đồng bộ trưởng quyết định tách huyện Hoài An ra thành huyện Hoài Ân và An Lão; với số xã của huyện An Lão là 7 xã; An Hòa, An Trung, An Hưng, An Dũng, An Vinh, An Quang và An Toàn. Năm 1986 thành lập thêm 2 xã An Tân và An Nghĩa. Năm 1997 An Lão được Ban Dân tộc và miền núi Trung ương công nhận là huyện miền núi. Năm 2007, chính phủ quyết định thành lập thị trấn An Lão trên cơ sở chia tách từ các xã An Trung, An Hưng và An Tân. Như vậy, hiện nay huyện An Lão bao gồm 9 xã và 1 thị trấn. CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG Dân cư và bản sắc văn hóa Cộng đồng dân cư ở An Lão chủ yếu gồm 3 dân tộc: Kinh, Hre, Bana. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, dân số An Lão có khoảng 5.000 người. Đến tháng 1/1965 sau “Chiến thắng An Lão”, dân số là 17.694 người. Bên cạnh ngôn ngữ và chữ viết phổ thông, người Hre và Bana có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Người H’re Người Hre cư trú chủ yếu ở các huyện phía tây của tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Ở Bình Định, người Hre cư trú tập trung ở huyện An Lão. Làng của người Hre được xây dựng trên các gò đồi, ở gần các sông suối; nhà sàn, được làm bằng gỗ chắc chắn, lợp tranh; trên mái nhà có gắn biểu tượng sừng trâu để xua đuổi tà ma, thú dữ, nhà có 2 giang chái để làm nơi tiếp khách, bếp núc. Đồng bào Hre thường lấy tên đồi núi, sông, suối, tên già làng hay chủ làng,.. đặt tên cho làng mình như: làng Gò Mít, Nước Roang, Ông Tám,… trong làng tất cả các thành viên đều tuân thủ theo chủ làng. Ở mỗi làng thường có thầy cúng, thầy bà dâu, họ hành lễ, cúng bái hoặc chữa bệnh bằng các hình thức cúng tế kết hợp với các bài thuốc dân gian. Trong canh tác ruộng nước, người Hre đã khai phá các vùng đồi làm nên những khoảnh ruộng bậc thang. Cư dân Hre theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, quan niệm siêu linh gồm nhiều loại, từng loại có tên gọi khác nhau. Ngày tết Nguyên đán các thành viên trong làng thường tập hợp tại nhà chủ làng, tổ chức vui chơi, ca hát, chúc tụng nhau. Lễ cúng rẫy được tổ chức hàng năm vào tháng 2- 3 âm lịch, lễ cúng cơm mới được tổ chức vào tháng 8 âm lịch. Trang phục truyền thống là đàn ông đóng khố, mặc áo ngắn cài khuy phía trước, đầu quấn một vòng khăn; phụ nữ mặc áo, mang yếm, trùm khăn, váy dài có hai lớp, rèn viền. Khí cụ, nhạc cụ rất đa dạng như: cồng chiêng, Rang ngoi, đàn Brook, Brang… các điệu múa như Rung chinh, Cheo chang được sử dụng trong các ngày lễ hội và lưu truyền trong dân gian. Người Bana Ở Bình Định, người Bana sống tập trung đông nhất tại huyện Vĩnh Thạnh, ở An Lão người Bana cư trú chủ yếu ở xã vùng cao An Toàn. Làng của người Bana được xây dựng trên các vùng đất cao, bằng phẳng và thoáng đãng, đứng đầu cộng đồng là chủ làng và một “Hội đồng già làng”. Nhà sàn được làm bằng gỗ, có mái hiên và giang giữa rộng để tiếp khách và làm nơi sinh hoạt chung trong gia đình. Nhà Rông của người Bana là ngôi nhà chung của cộng đồng, được xây dựng ở trung tâm từng làng, là nơi tổ chức tế lễ, hội họp, tiếp khách và các cuộc vui chơi của dân làng. Về tín ngưỡng cư dân Bana theo thuyết “vạn vật hữu linh” và sáng tạo ra những nét văn hóa riêng và khá độc đáo, đó là các sử thi, cổ tích, dân ca, vũ khúc, những tác phẩm điêu khắc, những hoa văn, những khí cụ, nhạc cụ và trang phục truyền thống. Người kinh Từ đầu thế kỷ thứ XVIII, người kinh đã đến lập nghiệp ở vùng đất An Hòa, An Tân và thị trấn ngày nay và dần lập nên các thôn ấp trù phú: Hưng Nhơn, Thanh Sơn, Thuận Hòa, An Lão (Thuận An ngày nay), Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Xuân, Long Hòa và Xuân Phong. Bên cạnh cư dân H’re và Bana, người Kinh là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, với một trình độ tổ chức xã hội cao, từng thôn xóm đều có hương ước, tập tục riêng. Trong quá trình chinh phục, cải tạo thiên nhiên và trong các cuộc đấu tranh chống áp bức, chống xâm lược, các dân tộc ở An Lão luôn đoàn kết, nương tựa vào nhau để tồn tại và phát triển, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình./.