Kỷ niệm 57 năm chiến thắng An Lão (7.12.1964 - 7.12.2021): Một mốc son chói lọi trong lịch sử

Thứ ba - 07/12/2021 08:59
Năm 2021, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong huyện đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó có các hoạt động chào mừng kỷ niệm 57 năm Chiến thắng An Lão (07/12/1964 – 07/12/2021). Nhân kỷ niệm 57 năm Chiến thắng An Lão, Ban biên tập Trang thông tin Điện tử UBND huyện đăng tải nội dung tuyên truyền về Sự kiện chiến thắng An Lão kết quả và ý nghĩa lịch sử của sự kiện Chiến thắng An Lão (nguồn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Kỷ niệm 57 năm chiến thắng An Lão (7.12.1964 - 7.12.2021): Một mốc son chói lọi trong lịch sử
Chiến thắng An Lão là mốc son khởi đầu, thể hiện ý chí cách mạng tiến công và sức mạnh vô địch của quân và dân trong huyện nói riêng, cả nước nói chung, đánh dấu sự trưởng thành to lớn của sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, là kết quả tổng hợp của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, làm chói ngời thêm trang sử hào hùng của quân và dân trong huyện.
Kỷ niệm 57 năm Chiến thắng An Lão là dịp để chúng ta ôn lại ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến công to lớn này, khơi dậy truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân các dân tộc anh em trong huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ nhằm phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần sáng tạo của quân và dân trong huyện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
https://anlao.binhdinh.gov.vn/uploads/news/2019_12/image-20191202063352-2.jpeg

Huyện An Lão đón nhận Huân chương độc lập Hạng Ba tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng An Lão (Ngày 01/9/2014)
I. CHIẾN THẮNG AN LÃO - MỘT TRANG SỬ HÀO HÙNG CỦA QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC

          An Lão là huyện vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Bình Định, với diện tích tự nhiên: 692,02 km2. Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn; dân số 27.837 người, gồm 3 dân tộc anh em Kinh, H’re và Bana cùng sinh sống.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, An Lão là vùng tự do, là hậu cứ quan trọng của cách mạng. Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, An Lão là căn cứ cách mạng phía Bắc của Tỉnh và Quân khu V. Do vậy, Mỹ-Diệm đã không từ bỏ mọi hình thức đàn áp dã man, chúng thực hiện chính sách 3 sạch: giết sạch, phá sạch, đốt sạch; lừa bịp để thực hiện chiến lược “Bình định nông thôn, lập ấp chiến lược”, xây dựng bộ máy Ngụy quân, ngụy quyền và chúng thực hiện những cuộc truy lùng, càn quét đẫm máu  (điển hình là vụ thảm sát Đá Bàn thuộc xã An Lạc (nay là xã An Hưng): giết chết 9 gia đình, 31 người), hòng uy hiếp tinh thần, ý chí  của quần chúng nhân dân; đồng thời chúng dồn hơn 11.000 người dân về sống chung quanh quận lỵ và dọc trục đường số 5 để tiện bề cai quản, kiểm soát.
Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Khu uỷ khu V, Tỉnh uỷ Bình Định và của Huyện uỷ, phong trào đấu tranh chính trị, chiến tranh du kích của quân và dân An Lão ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhằm chống lại kế hoạch dồn dân, lập ấp, bắt lính của địch; đồng thời từ đây bắt đầu xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Đầu năm 1960, nhân dân các xã An Bửu, An Bình (nay là An Dũng), An Phú (nay là An Vinh) tập hợp trên 1.500 người đấu tranh suốt 3 ngày với địch: không chịu làm trụ sở, không chịu dồn dân, chống bắt lính… đã bí mật tiêu diệt những tên mật vụ, ác ôn nguy hiểm có nhiều nợ máu (như tên Thể ở An Vinh, tên Nhiều ở An Toàn).
Tháng 12/1960, trận chống càn của quân và dân 3 xã: An Dân (nay là xã An Trung), An Lạc, An Ninh (nay là xã An Hưng) đã đánh bại và làm thiệt hại nặng một tiểu đoàn địch. Đầu năm 1961, địch lập kế hoạch mở đường An Lão đi BaTơ, nhưng đã bị lực lượng của ta đánh phá liên tục buộc chúng phải bỏ dở kế hoạch này.
Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1962, bộ đội huyện kết hợp với Tiểu đoàn 50 của Tỉnh đã giải phóng đồi Hưng Nhơn- An Hoà (nay là thị trấn An Lão), tiêu diệt 3 trung đội dân vệ, 01 đại đội bảo an, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng. Như vậy, từ năm 1959-1964 Mỹ-Diệm tập trung lực lượng để bình định vùng An Lão, nhưng ý đồ làm chủ hoàn toàn địa bàn An Lão không thực hiện được. Những cơ sở cách mạng của ta ngày càng lớn mạnh; bộ máy ngụy quân,  ngụy quyền không quản lý, kìm kẹp được quần chúng nhân dân trong huyện; chúng không chia rẽ, ngăn cách được quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng.
Lực lượng của ta càng đánh càng mạnh, càng dày dạn kinh nghiệm, sinh lực địch mấy năm liền bị thiệt hại lớn. Những chiến công trên mặt trận đấu tranh chính trị, binh vận và quân sự của ta đã đẩy Đế quốc Mỹ và bọn tay sai vào thế bị động. Cùng quẫn trước kế hoạch “Chiến tranh Đặc biệt” của đế quốc Mỹ thất bại và “chiến dịch Bình định nông thôn” lâm vào ngõ cụt; đảo chính trong bộ máy ngụy quyền xảy ra liên tục; ở An Lão trong 2 năm 1961, 1962 đã có 3 lần thay đổi quận trưởng; một cuộc khủng hoảng trầm trọng xảy ra đẩy chiến lược “Chiến tranh Đặc biệt” đến nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự vào miền Nam, đồng thời phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, chiến dịch dồn dân lập ấp chiến lược, bắt lính, củng cố bộ máy ngụy quân, ngụy quyền được Mỹ ráo riết thực hiện bằng mọi giá.
Tình thế cách mạng đã thay đổi, đặt quân dân miền Nam nói chung và An Lão nói riêng trước cuộc chiến tranh mới đầy thử thách. Đế quốc Mỹ và chính quyền Diệm-Nhu đã tăng cường xây dựng quận An Lão thành một cụm liên hoàn gồm: chi khu quận lỵ, 3 cứ điểm và 8 chốt điểm ấp chiến lược, chúng sử dụng lực lượng quân số gồm:
+ 02 đại đội và 2 trung đội bảo an
+ 14 trung đội dân vệ
+  01 trung đội biệt kích
+ 01 trung đội cối: 106,7 mm
+ Quân số có 884 tên (chưa kể tề Ngụy, mật thám, ác ôn).
Hệ thống đồn bót được phân bố như sau:
- Chi khu quận lỵ địch xây dựng thành một cứ điểm do một Đại đội bảo an và 2 Trung đội dân vệ đóng giữ, do tên Đỗ Cao Bộ, một tên việt gian khát máu làm Quận trưởng.
- 3 cứ điểm quân sự được bố trí rộng khắp, bao gồm:
+ Cứ điểm núi Một (trên điểm cao 193) địch bố trí 01 đại đội bảo an, 01 trung đội biệt kích, 01 trung đội dân vệ, 01 trung đội cối 106,7 mm.
+ Cứ điểm đồi Mít (suối Bà Nhỏ).
     + Trụ sở xã An Hoà.
- Ngoài 8 ấp chiến lược có 8 chốt Trung đội dân vệ: Hưng Nhơn, Hưng Nhượng, Thanh Sơn, Hưng Long, Xuân Phong, Long Khánh, Hội Long, Phước Bình. Có thể nói địa bàn không rộng nhưng địch bố trí lực lượng quá vững chắc và kiên cố, chúng coi đây là vành đai thép để dùng làm bàn đạp tấn công các vùng lân cận, nhằm uy hiếp tinh thần của quân và dân An Lão.
*Về phía ta: trước tình hình mới, sau khi quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III (10/1963), Thường vụ Khu uỷ khu 5 đã đề ra nhiệm vụ: “Ra sức đưa phong trào cách mạng Khu 5 chuyển  biến một bước thật mạnh mẽ; đẩy lùi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vào thế sa lầy, bị động, thất bại nặng nề hơn trước cả về chính trị và quân sự”.
- Đầu tháng 12/1964, Đảng uỷ, Bộ tư lệnh Quân khu V quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng An Lão; Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực; bộ đội địa phương và dân quân du kích đã trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là sự ủng hộ to lớn của quần chúng nhân dân về sức người, sức của, hàng chục nghìn ngày công, mở đường, tải lương, tải đạn, hàng chục tấn lương thực ủng hộ cho chiến dịch giải phóng quê hương; trong kế hoạch, chiến dịch sẽ diễn ra từ 5-7 ngày, nhưng thực tế chỉ diễn ra trong 2 ngày đêm thần tốc. Chiến dịch đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn (ngày 7- 8/12/1964) cụ thể như sau:
Bước 1: Tiêu diệt 3 cứ điểm, 8 chốt ấp chiến lược, đồng thời bao vây chi khu quận lỵ An Lão:
Đúng 23 giờ ngày 6/12/1964 các đơn vị bộ đội đã tiếp cận trận địa
Đến 01 giờ 05 phút ngày 7/12/1964 các mũi chủ yếu của ta đã đồng loạt nổ súng tấn công như vũ bão, chỉ trong một đêm quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm, điểm chốt của địch; truy bắt tàn quân, tề điệp, ác ôn, giải phóng 8 ấp chiến lược, làm chủ toàn bộ thung lũng An Lão (trừ Quận lỵ); hoàn thành một bước nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai lực lượng đánh quân chi viện.
Bước 2: Đánh quân tiếp viện bằng đường không, tiếp tục truy lùng bọn tàn quân ác ôn, tề điệp:
Các điểm chốt, ấp chiến lược đều do ta làm chủ, Quận lỵ An Lão bị ta vây chặt; 8 giờ sáng ngày 7/12/1964, địch dùng nhiều tốp máy bay ném bom, đánh phá. Chúng ném xuống Cứ điểm 193 (Núi Một) hàng chục tấn bom đạn; song ta đã đẩy lùi và đè bẹp ý đồ tiếp viện bằng đường không của địch; đồng thời tiếp tục truy lùng bọn tàn quân ác ôn, tề điệp. Đến 9 giờ 30 phút, ngày 7/12/1964 ta đã truy lùng, bắt gần 200 tên địch (có hơn 100 tên ác ôn, tề điệp), buộc địch phải cứu viện bằng đường bộ.
Bước 3: Đánh quân tiếp viện bằng đường bộ, kết thúc chiến dịch:
Thất bại trong trận đánh bằng đường không, chúng huy động lực lượng và bố trí các trận đánh bằng đường bộ, cụ thể chúng đã huy động: 01 Đại đội thiết giáp, 01 Tiểu đoàn bộ binh, nhiều xe thiết giáp M113 kéo vào trận địa suốt 3 giờ liền (từ 12h30 đến 15h30). Ngày 8/12 địch điên cuồng dùng máy bay ném bom rải thảm từ khu vực Xuân Phong (An Hòa- An Lão) đến Ân Hảo (Hoài Ân); nhưng trên các chiến hào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám chắc trận địa, giành giật với địch từng tấc đất, từng người dân.
Tối ngày 8/12/1964 Bộ Tư lệnh mặt trận họp, soát xét tình hình tác chiến trong hai ngày 7-8/12/1964 và quyết định kết thúc chiến dịch. Thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng mở rộng, gọng thép bao vây ngày càng xiết chặt. Những ngày sau địch mở thêm vài đợt càn quét yếu ớt, lấy lệ rồi chấm dứt hẳn.

                                                            Tượng đài Chiến thắng An Lão
II. KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CHIẾN THẮNG AN LÃO.
  1. Kết quả:
Chiến thắng An Lão ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 610 tên địch; trong đó 142 tên chết (có 05 lính Mỹ), bắt sống 402 tên (125 tên tề ngụy); bắn cháy, phá hỏng 5 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay, tiêu diệt 3 cứ điểm, 8 chốt dân vệ, 8 ấp chiến lược, tiêu diệt 2 đại đội bảo an, 12 trung đội dân vệ, 01 trung đội cối, 01 trung đội biệt kích, 01 tiểu đoàn Cộng hoà, thu hơn 400 súng, 400 hòm đạn các loại, 14 vô tuyến điện và nhiều quân trang, quân dụng khác; giải phóng 11.000 dân và mở rộng vùng giải phóng nối liền vùng căn cứ An Lão về phía Nam dài  22km.
  1. Ý nghĩa lịch sử:
Chiến thắng An Lão là chiến thắng đầu tiên của miền Trung Trung bộ, đã làm tiêu hao, tan rã phần lớn sinh lực địch, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng An Lão là một điểm son khởi đầu cho việc đánh bại các kế hoạch và chiến lược chiến tranh của địch; đặc biệt là chiến lược phòng ngự cứ điểm, kết hợp với hệ thống ấp chiến lược, chiến tranh Đặc biệt của đế quốc Mỹ ở miền Nam (5/1962 – 1964). Lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5 xuất hiện phương pháp tác chiến mới: đó là sự kết hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích. Kết hợp giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận với đấu tranh vũ trang.
Chiến thắng An Lão là chiến thắng của tinh thần đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa 3 dân tộc anh em Kinh, H’re và Bana trong huyện. Chiến thắng An Lão gắn liền với sự ra đời và truyền thống vẻ vang của nhiền đơn vị chủ lực của quân đội ta, đặc biệt là Trung đoàn 2 An Lão anh hùng. Thắng lợi này lại một lần nữa thể hiện sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, sức mạnh của chiến tranh nhân dân  đối với một kẻ thù nguy hiểm nhất, có vũ khí tối tân nhất.
Chiến thắng An Lão đã đánh dấu bước ngoặt trưởng thành trong cuộc đấu tranh của quân và dân trong huyện, đã vượt qua bao gian khổ, khó khăn, hy sinh tổn thất để tô điểm, làm chói ngời thêm trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, của quê hương; đặc biệt sau khi thất thủ ở An Lão, chính quyền Ngụy quân- ngụy quyền Sài Gòn hoang mang, dao động đến rệu rã và bắt buộc các nhà quân sự Mỹ phải xem xét và điều chỉnh lực lượng, chiến thuật trên các chiến trường. Bình luận về sự thất bại của Mỹ- Ngụy trên chiến trường An Lão, hãng AFP ngày 9/12/1964 đã viết: “cả hệ thống phòng ngự chi khu An Lão bị tiêu diệt nhanh như trở bàn tay, bắt buộc các nhà quân sự Sài Gòn phải xem xét lại cả hệ thống phòng ngự trên các chi khu khác xem có đủ đứng vững không khi du kích Việt cộng đã quyết tâm mở cuộc tiến công vào đó…”.

Chào mừng kỷ niệm 57 năm Chiến thắng An Lão, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng; phát huy tốt nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, huyện An Lão quyết tâm thực hiện tốt  Phong trào thi đua đặc biệt “Huyện An Lão đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, đem tinh thần tiến công của Chiến thắng An Lão anh hùng, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

Tác giả bài viết: AT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây