NGÀY TẾT, NÓI VỀ NÉT VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI HRÊ, BA NA AN LÃO
Thứ tư - 26/01/2022 08:41
Huyện An Lão hiện có 09 xã và một thị trấn với 03 dân tộc anh em sinh sống là Kinh, Hrê và Ba Na. Trong đó có 40 thôn của 09 xã, thị trấn có đồng bào Hrê, Ba Na sinh sống. Đặc biệt, nằm ở độ cao từ 500 đến 1.050m so với mặt nước biển, các xã vùng cao An Toàn, An Nghĩa, An Vinh, An Quang được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa và nhiều thắng cảnh đẹp, nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Hrê, Ba Na… Đến với các bản làng của huyện miền An Lão, sau khi được tham quan các cảnh đẹp của núi rừng hùng vĩ với những thác đá nước trong xanh, trắng xóa đến mê hồn, du khách còn được chiêm ngưỡng, dạo chơi, thư giãn bên những đồi sim, vười ổi tự nhiên, hoang sơ lạ mắt…. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội được hòa nhập với đời sống của đồng bào dân tộc Hrê, Ba Na nơi đây, được ăn những món ăn của người vùng cao, được mặc những trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc, được nhảy những giai điệu của núi rừng và được tham gia vào các phong tục, lễ hội độc đáo của người Hrê, Ba Na. Đặc biệt, du khách sẽ được người dân địa phương chào đón trân trọng với tấm lòng mộc mạc, chân chất, đáng yêu...
Huyện An Lão hiện có 03 dân tộc chính đang sinh sống là Kinh, Hrê và Ba Na với 8.848 hộ gồm 31.973 nhân khẩu. Ông Đinh Văn Phú-Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão đã có nhận xét: “ Mỗi dân tộc trên địa bàn huyện có một kho tàng văn hóa rất phong phú và đa dạng như Lễ hội văn hóa, thể thao; các nghi lễ cưới, cúng làng, cúng con nước; hát ru, hát dân ca dân vũ, dân nhạc; nhạc cụ cồng chiêng. Và đặc biệt là trang phục của người Hrê, Ba Na mang màu sắc, hoa văn truyền thống độc đáo. Vào mùa lễ hội, ngày tết và ngay cả trong đời sống sinh hoạt cộng đồng thường ngày, những bộ trang phục truyền thống và làn điệu Ta lêu, Ka choi, Hmon của người Hrê, Ba Na lại có dịp thể hiện. Những năm gần đây được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước nên đời sống của người dân trong huyện từng bước được cải thiện và phát triển khá, bản sắc văn hóa dân tộc được tôn vinh, bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, mới đây huyện An Lão đã triển khai thực hiện Kế hoạch (bảo tồn và phát huy làn điệu Ta lêu, Ka choi của người Hrê, Ba Na, đồng thời phục dựng, hoàn thiện trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na) nhằm góp phần tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch…”.
- Trang phục của người Hrê, Ba Na
Sống giữa núi rừng bạt ngàn, những đường nét hoa văn trong trang phục của người Hrê, Ba Na An Lão cũng hòa quyện cùng với thiên nhiên, mang hơi thở đại ngàn. Nhìn chung, đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố hình chữ T. Phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy. Váy của phụ nữ Hrê, Ba Na chỉ là một tấm vải đen hoặc xanh được quấn quanh thân dưới. Trong các ngày lễ, tết trang phục của người, Hrê, Ba Na có phần sặc sỡ hơn.
Với lối tư duy đơn giản, các hoa văn trong trang phục của người Ba Na là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao. Họa tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời - đất, âm – dương, lấy thiên nhiên làm hình mẫu. Mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu của hình học không gian. Màu đỏ biểu hiện cho màu của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng, được nhuộm bằng nhựa cây Kxang, Kơ bai. Màu vàng biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên, được nhuộm bằng củ nghệ hay màu của cây Kmếch. Màu xanh biểu hiện cho màu da trời, màu của cây lá được nhuộm bằng nhựa cây Truông nhây hay cây Kpai…Còn trang phục của người Hrê đơn điệu hơn chỉ có 03 màu đen, xanh trơn hoặc hồng. -Làn điệu dân ca Hrê, Ba Na Những làn điệu dân ca Ta lêu, Ka choi của người Hrê, Hmon của người Bana ngày nay ở An Lão chỉ còn lại qua truyền miệng và trí nhớ của người già nên đã bị mai một khá nhiều. Tuy nhiên số lượng những bài dân ca Hrê, Ba Na được sưu tầm và bảo tồn cho đến nay vẫn còn khá phong phú và đặc sắc. Dân ca Hrê, Ba Na ngoài giá trị văn học, âm nhạc, còn có giá trị về lịch sử, xã hội và dân tộc. Ở An Lão bây giờ còn rất ít người hát được những làn điệu Hmon (hay còn gọi là sử thi).Hầu hết những làn điệu Ta lêu, Ka choi, Hmon đều kể cho dân làng và con cháu nghe về chuyện ngày xưa người Hrê, Ba Na xuống núi, cùng nhau lập làng, chống lại thú rừng, mở rộng sản xuất, chăn nuôi; chuyện về những già làng đã anh dũng đứng lên chống lại những nghiệt ngã của thiên nhiên, chống lại kẻ thù, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân làng, ca ngợi tình yêu lứa đôi thủy chung, son sắc… Những ngày hội vui, khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên, dân làng không phân biệt già trẻ, gái, trai, tất cả tay nắm tay nhau, dập dìu nhảy múa, thăng hoa cùng điệu xoang để đất trời và con người hòa quyện làm một… Chị Tuyết (Hrê) ở làng Đất Dài, người đã có hơn 30 năm tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao do địa phương các cấp tổ chức, mang lại cho địa phương nhiều thành tích đáng ghi nhận. Chị Tuyết bộc bạch: “Để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người H’Rê, bản thân tôi đã tự sáng tác nhiều bài hát mang làn điệu của người H’Rê để truyền dạy cho con cháu trong làng. Đặc biệt, gần đây được Ban Dân tộc tỉnh tặng một bộ cồng chiêng cho làng, đích thân tôi đã đứng ra dạy cho các cháu cách đánh chiêng, đánh cồng, múa theo từng làn điệu của người H’Rê, đồng thời truyền đạt những kinh nghiệm hay cho dân làng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình…”. - Hòa tấu cồng chiêng Cồng chiêng là nhạc cụ được làm bằng đồng thau, hình tròn có đường kínhkhoảng từ 20 cm đến 60 cm. Một dàn cồng chiêng của người Hrê, Ba Na thường có 3 chiếc cồng lớn, ở giữa có núm và 5 đến 10 chiếc chiêng rẹt nhỏ hơn. Khi diễn tấu, người ta dùng dùi gỗ quấn vải mềm để đánh. Cồng càng to thì tiếng càng trầm, còn những chiêng càng nhỏ thì âm thanh càng cao. Mỗi bài cồng chiêng gồm nhiều bè, mỗi cá nhân sử dụng một cái cồng hoặc chiêng. Trong các dịp lễ hội, tiếng cồng chiêng luôn rộn ràng, nhịp nhàng, tinh tế và âm vang cả núi rừng. Âm nhạc cồng chiêng của người Hrê, Ba Na đã góp phần làm phong phú không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, là một trong những thành tố để Uỷ ban Văn hoá Khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc ( UNESCO ) công nhận là di sản văn hóa thế giới. -Nghi thức mời rượu. Từ lâu, rượu cần đã là thức uống không thể thiếu đối với đồng bào Hrê, Ba Na nơi đây, nhất là trong các dịp lễ hội, Tết cổ truyền, tiếp khách, khi vui cũng như lúc có chuyện buồn … Rượu cần làm từ gạo lúa, nếp, bắp hay củ mì, được ủ men trong các chóe bằng sành, chóe càng có giá trị thì rượu càng ngon, dùng để cúng Giàng hay tiếp khách quí; chóe to nhưng bình thường (không phải chóe quí) dùng để tiếp khách phương xa; chóe nhỏ thường dùng trong dịp lâu ngày gặp bạn;... Đầu tiên chủ nhà mời khách đến nắm cần và xói phép, báo cho Giàng biết hôm nay nhà có khách. Lúc cúng xói cần rượu luôn quay về hướng mặt trời mọc mang ý nghĩa nhờ thần linh đến từ phía đông phù hộ cho cả chủ lẫn khách luôn mạnh khỏe, cái chân luôn cứng cáp để đi rừng, hay lội sông, lội suối; luôn được an toàn, may mắn khi tham gia giao thông và cùng làm ăn phát đạt hơn… -Nghi thức đốt lửa Từ trong đời sống tâm linh, lửa đóng một vai trò quan trọng trong ngày trong đời sống của người Hrê, Ba Na. Theo quan niệm cổ truyền, đồng bào nơi đây luôn tin tưởng vào Thần Lửa – vị thần hiện thân cho may mắn, phù hộ cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngọn lửa sáng lên giữa núi rừng, thắp sáng mọi ngõ ngách tối tăm, ngọn lửa mang hơi ấm cho từng người để con người đến gần với nhau hơn trong sự ấm áp tình người… !