Phòng Giao dịch NHCSXH huyện - 20 năm đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thứ ba - 12/07/2022 08:12
An Lão là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định, đời sống người dân vô cùng khó khăn; tuy nhiên hiện nay, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách kịp thời và hiệu quả, qua đó góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
b

Mới đây, chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thiết, hội viên phụ nữ thôn Tân An, xã An Tân được chị cho biết: Cách đây hơn 20 năm về trước, gia đình chị thuộc diện một trong những gia đình hộ nghèo nhất xã, đời sống gia đình chị gặp vô cùng khó khăn, muốn có nguồn vốn phát triển kinh tế nhưng gia đình chị loay hoay mãi không biết tìm nguồn vốn từ đâu.Trong lúc khó khăn, không tìm ra nguồn vốn làm ăn, tình cờ trong một dịp sinh hoạt của thôn, chị được chị em phụ nữ tư vấn, tuyên truyền các chủ trương tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ. Sau đó chị đã được chi hội giới thiệu gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn và đã tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ; thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị đã mạnh dạn vay 5 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản, tạo việc làm cho bản thân phát triển kinh tế. Khi có được đồng vốn chị bắt đầu tư vào trồng keo phát triển kinh tế rừng, mua con giống về chăn nuôi; sau thời gian nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị đã có thu nhập đáng kể để trả nợ cho ngân hàng đúng kỳ hạn và để dành một phần tiền dôi dư tích lũy. Thấy việc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Lão làm kinh tế có hiệu quả, chị tiếp tục mạnh dạn vay vốn với số tiền lớn hơn để mở rộng đầu tư và triển khai nhiều mô hình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi hỗn hợp. Hiện nay qua nhiều lần tiếp cận từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị đã thoát nghèo bển vững, là một trong những hộ gia đình sản xuất kinh doanh tiên tiến, tiêu biểu của xã. Với những thành quả đạt được như trên gia đình chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với nhiều chị em khác trong thôn để học hỏi, làm theo, chị vui v tâm sự: Nhờ đồng vốn vay ban đầu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện gần 20 năm về trước đã giúp gia đình tôi từng bước vượt qua khó khăn, và từ đó giúp gia đình tôi thoát nghèo, tích lũy vốn tạo dựng được mô hình phát triển kinh tế như ngày hôm nay. Và cũng chính từ những nguồn vốn tích lũy đó, hiện tại gia đình tôi tiếp tục vay vốn ngân hàng đang đầu tư mở rộng mô hình nuôi yến lấy tổ, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, heo sinh sản, trồng nấm… hàng năm từ những mô hình trên gia đình tôi thu về vài trăm triệu đồng, đời sống gia đình nói chung cũng khấm khá, con cái được học hành, có công việc làm ổn định”.

 
b1

Còn đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bảy ở thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa là một cựu chiến binh lớn tuổi, tham gia kháng chiến chống Mỹ lâu năm, với đồng lưu hưu ít ỏi, gia đình bà chưa bao giờ dám mơ về một ngôi nhà của riêng mình. Nhưng giấc mơ đó đã thành hiện thực khi bà được hội Cựu chiến binh giới thiệu tham gia vào tổ tiết kiệm và vay vốn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình đã vay được số tiền 480 triệu đồng để chi phí làm mới lại ngôi nhà vốn lâu nay đã bị dột, nát, thời gian vay 15 năm. Đây là gói cho vay để xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Với tuổi già xế chiều như bà để làm được ngôi nhà khang trang là một là một ước mơ chưa bao giờ dám nghĩ. Hôm nay đứng trước ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện các công đoạn thô còn lại, bà vô cùng phấn khởi và xúc động chia sẻ: “Mấy năm nay tuy gia đình cũng tích góp một số tiền để sửa chữa lại căn nhà cũ đã hư hỏng, xuống cấp, nhưng không đủ kinh phí để sửa chữa lại. Nay nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay cộng với vốn của gia đình tôi mới đủ điều kiện để xây dựng lại ngôi nhà được khang trang như thế này. Tôi nghĩ, nguồn vốn vay này thực sự vô cùng quý giá và rất có ý nghĩa với gia đình tôi nói riêng và những người lao động thu nhập thấp có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở nói chung. Vì thế tôi rất mong muốn thời gian tới, nhiều gia đình gặp khó khăn về nhà ở như tôi sẽ sớm tiếp cận được nguồn vốn ý nghĩa này”.
b2

Bên cạnh đó còn một số hộ vay điển hình như: hộ Lại Thị Lệ thôn Long Hòa, xã An Hòa vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo để trồng keo, nuôi cá, và mua một con bò, sau 03 năm trả trả gốc 30 triệu đồng, vay lại 50 triệu đồng đầu tư mua thêm 2 con bò đến nay đàn bò đã sinh sản tổng cộng 09 con, hiện nay hộ gia đình chị đã thoát nghèo bền vững; hộ Nguyễn Thị Hà thôn Vạn Long, xã An Hòa vay 50 triệu đồng để trồng keo, nuôi bò sau 5 năm đã bán keo trả nợ gốc và mua xe công nông chuyên chở nông sản… hiện nay gia đình chị cũng đã thoát nghèo. Những kết quả từ chương trình đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo.


Ông Lê Văn Quy- Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện chia sẻ: “Những năm qua, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện An Lão đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn”.

 

Tác giả bài viết: Hữu Bá

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây