ĐỘC ĐÁO LỄ CÚNG MỞ KHO LÚA CỦA ĐỒNG BÀO H'RE AN LÃO
Thứ sáu - 01/07/2022 07:35
Người H’re với bản tính thật thà chất phát, cần cù siêng năng. Từ xưa người H’re đã lấy nông nghiệp làm nguồn sống chính. Ngoài việc quanh năm vất vả chịu khó, chịu thương, làm nương làm rẫy, đồng bào H’re ở huyện An Lão còn tự trang bị cho mình một đời sống văn hóa, nghệ thuật mang bản sắc, đậm đà nét riêng theo một cách tự nhiên, phóng khoáng như chính cuộc sống của họ, tự lượm lặt, chắc chiu bao đời.
Hàng năm, vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch, khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem cất kỹ cũng là lúc các gia đình người đồng bào H’rê làm Lễ cúng mở kho lúa. Với mục đích xin thần kho, thần lúa đừng hoảng sợ, cầu mong thần lúa yên tâm ở lại với gia đình, để gia đình luôn no đủ, không phải thiếu đói, không phải ăn củ, ăn khoai. Đồng thời, đây còn là phương thức bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian, giáo dục cho thế hệ sau biết quý trọng thành quả lao động của mình. Lễ cúng mở kho lúa được thực hiện tại kho lúa và tại gia đình chủ nhà. Nhân dịp này mời họ hàng, bà con trong làng sum họp, liên hoan.
Để chuẩn bị lễ cúng, khi chủ nhà đã chọn được ngày lành sẽ tiến hành họp gia đình bàn, chuẩn bị dọn vệ sinh nhà cửa, kho lúa và chuẩn bị đồ cúng gồm: 01 con gà trống, 01 cái sạp (p’roang) được đan bằng cây đót trên phủ lá cà te, 01 ché rượu cần nhỏ, 01 cặp pa nấy, 01 cái Ka đáp, 2 thẻ cây loang Krooc, 01 cây sáp ong, 01 miếng gu, trầu cau, gạo, 01 chai rượu nhỏ, 3 cái ly. Vào buổi sáng sớm ngày lành, không khí trong nhà, ngoài kho lúa nhộn nhịp, người người háo hức chờ đến giờ thiêng để cúng.
Lễ cúng mở cửa kho lúa diễn ra qua 02 bước: (Bước 1:Tại kho lúa; Bước hai: Tại gia đình chủ nhà)
Bước 1: Tại kho lúa.
Khi thầy cúng có mặt, gia đình đông đủ, lễ vật đã sẵn sàng, Lễ cúng mở kho lúa bắt đầu. Lễ cúng thường bắt đầu vào buổi sáng sớm.
Đầu tiên chủ nhà đổ rượu mời ông bà trên trước và xin cắt cổ con gà để cúng, sau đó là đến lượt chủ nhà mời rượu thầy cúng để cúng phép.
Tiếp theo thầy cúng xói rượu, sau đó uống rượu phép và bắt đầu cúng. Đầu tiên là nhổ một ít lông gà trên cổ gà bỏ vào cái sạp, sau đó cắt cổ gà, pha máu gà với rượu vẫy vào kho lúa với lời cúng:... (Hỡi thần Lúa, thần Kho. Ta báo với thần cơm, thần lúa, ta bắt đầu xuất lúa kho nhà, ta cúng báo bằng tiết gà, nước rượu, từ nay về sau ta hốt lúa Kho, xuất một gùi, trả lại một gùi, xuất một thúng trả lại một thúng, lúa kho lưng xin thần đổ đầy, lúa ăn không cạn, bán không mất, rơi gùi tung nia, làm ngã cối, xin thần lúa đừng sợ hãi, xin thần lúa đừng chạy bỏ nhà, rơi xuống nước, rớt vào bếp lửa, xin thần lúa đừng giận đừng hờn, chúng tôi ăn lúa một kho này, chúng tôi ăn cho đủ năm giáp vụ, chúng tôi cho khách ăn đủ, số lúa thừa ta để lại mùa sau…)
Sau khi thầy cúng xói gà xong, chủ nhà đưa cho thanh niên đi làm thịt, trước khi làm thịt chủ nhà cắt trên con gà mỗi bộ phận 1 ít (móng, cánh, mỏ, mắt, lưỡi) bỏ vào sạp để mời các thần đến ăn, mong các thần phù hộ phù hộ cho chủ nhà làm ăn phát đạt, phù hộ cho mọi người mạnh cái tay, khỏe cái chân, cầu mong cho đời hạnh phúc, lúa thóc đầy kho.
Khi thầy cúng đã cúng xong và cầu xin các vị thần chứng giám cho Lễ vật cùng lời cầu nguyện của gia đình, thì lúc này vợ của chủ nhà dùng các Ka đáp xúc lúa đem về nhà để giã cốm. Đến ngày hôm sau mới có thể xuất lúa khỏi kho nhiều ít tùy ý.
Đồng bào H’re quan niệm rằng nếu đưa lúa gạo ra bên ngoài Kho mà không cúng báo thần lúa, thần kho thì người chủ nhà sẽ bị thần quở phạt.
Bước 2: Tại gia đình chủ nhà
Sau khi cúng, xói tại kho lúa xong, thì bước tiếp theo sẽ về cúng, xói tại gia đình chủ nhà.
Tại đây thầy cúng xói rượu, xói Gà, xói Cốm. Thầy cúng vui mừng hút một ít rượu cần làm phép, sau đó lấy con Gà nấu chín, bốc những nắm Cốm mới được rang, giã xong bỏ lên Ka đáp với lời cúng… Hôm nay, ngày lành cúng mở kho lúa, chủ nhà mời già làng, bà con, họ hàng đến dự mừng gia đình năm qua thu hoạch được đầy bồ, đầy thóc, lúa, bắp trên rẫy không bị chim chóc, thú rừng phá hoại. Mời Thần Lúa, Thần Sấm, Thần nước, Thần cửa, Thần đá bếp, tổ tiên... về ăn con Gà, uống ché rượu, ăn cốm mới giã của gia đình chúng tôi, mong các vị thần và tổ tiên bảo vệ, phù hộ cho gia đình, thôn làng làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa; con cháu luôn được bình an, no đủ… Sau khi cúng xong mọi người cùng quây quần xung quanh, cùng ăn cốm, ăn thịt, uống rượu vui vẻ, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, ai ai cũng mong các vị thần, tổ tiên phù hộ mọi người mạnh khỏe, nhà nhà no ấm, mùa màng bội thu.
Người H’re An Lão cho rằng, tất cả những hiện tượng tự nhiên quan hệ với sản xuất nông nghiệp đều chịu sự chi phối của các vị thần linh (Yàng) như thần lúa, thần nước, thần kho, thần rừng, thần mưa, thần đất…Trong xu thế giao lưu tiếp biến văn hóa như hiện nay đồng bào H’re vẫn giữ được truyền thống trong các lễ cúng nhưng không uống rượu nhiều như ngày trước.
Lễ cúng mở kho lúa của người H’re là một phong tục đẹp với những nghi lễ mang đậm tính nhân văn, có tính giáo dục con người biết quý trọng thành quả lao động của mình, giáo dục con cháu biết tôn trọng ông bà, tổ tiên. Lễ mở kho Lúa còn là phương thức bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian của đồng bào H’re An Lão.
Tác giả bài viết: Dân Phạm