Phương châm “Mỗi xã, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ” trong công tác phòng chống dịch Covid-19

Thứ tư - 15/09/2021 15:03
Để thống nhất trong hành động trong công tác phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 vừa ban hành văn bản hướng dẫn những nội dung chính thực hiện phương châm “mỗi xã, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ” trong phòng chống dịch Covid-19, theo đó hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện, như sau:
Mỗi xã, thị trấn là một pháo đài:
 “Pháo đài” được hiểu như một thành trì được xây dựng vững chắc cùng với chiến sỹ kề vai sát cánh bên nhau, che chắn cho nhau, cùng nhau chiến đấu, bảo vệ lẫn nhau. Trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thực hiện phương châm “mỗi xã, thị trấn là một pháo đài” có nghĩa là các xã, thị trấn phải có các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để trở thành chỗ dựa vững chắc, che chắn, hỗ trợ, bảo vệ vững chắc người dân; kêu gọi vận động người dân hiểu, tham gia chống dịch để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng”.
Nhiệm vụ của Đảng ủy xã, thị trấn
- Triển khai quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp thông qua việc ban hành nghị quyết về công tác phòng chống dịch phù hợp với tình hình mỗi địa phương. Nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, lắng nghe, linh hoạt, sáng tạo kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.
- Phân công các đảng ủy viên đứng chân địa bàn từng thôn và tuyên truyền, vận động nhân dân, hướng dẫn và nắm bắt tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch sát với thực tế; phân công đảng viên phụ trách 3-5 hộ gia đình để cùng giúp đỡ, giám sát lẫn nhau trong phòng chống dịch Covid-19.
- Thành lập nhóm Zalo để các thành viên kịp thời tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời, nhanh nhất.
Nhiệm vụ của UBND các xã, thị trấn.
- Lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sát với tình hình thực tiễn địa phương. Tổ chức xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án cụ thể cho từng cấp độ dịch theo chỉ đạo của UBND huyện với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động thực hiện quyết liệt hơn nữa, “thần tốc hơn nữa” trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Chủ động bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
- Tăng cường lực lượng công an, quân sự thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội nắm chắt tình hình di biến động dân cư. Đồng thời, tăng cường giám sát, kịp thời xử lý các vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Tổ chức hoạt động có hiệu quả các trạm y tế xã, thị trấn; bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, lập danh sách tiêm vắc xin kịp thời, hiệu quả. Thành lập Tổ y tế lưu động, tổ chức test nhanh kháng nguyên Sars-Cov2 khi có dịch xảy ra với tần suất test 2 - 3ngày/lần, tổ chức khoanh vùng dập dịch kịp thời.
- Tổ chức tốt việc cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng hóa thiết yếu cho người dân. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc lưu thông hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, phương tiện ra vào địa phương, vị trí giao nhận hàng hóa đúng quy định.
- Nghiêm cấm các chợ tự phát; quản lý, điều hành, tầm soát các chợ truyền thống, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nhằm giúp người dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản.
- Triển khai các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ những gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, neo đơn, và nhóm đối tượng người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên theo dõi, thăm hỏi, động viên không để ai thiếu ăn, thiếu mặc trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau; kịp thời báo cáo các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ.
- Phát huy vai trò Tổ phản ứng nhanh (Tổ Covid cộng đồng) trong công tác phòng chống dịch Covid-19, rà soát nắm bắt tình hình sức khỏe các gia đình trong cụm dân cư, tổ chức quản lý cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà.
- Thiết lập và cung cấp các số điện thoại của chính quyền địa phương, các Tổ hỗ trợ mua giúp hàng hoá thiết yếu, tư vấn chăm sóc sức khỏe để người dân liên lạc khi cần sự trợ giúp. Tổ chức ứng dụng các nhóm Zalo hoặc ứng dụng mạng xã hội phù hợp để kịp thời, thuận tiện thông tin liên lạc nhanh trong phòng chống dịch Covid-19.
- Kịp thời sơ kết, truyền thụ kinh nghiệm hay, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình tốt, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm, làm không hiệu quả, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng tiêu cực tới phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Mỗi hộ gia đình cam kết với thôn, xã/thị trấn cam kết với huyện về việc thiết lập và giữ vững vùng xanh an toàn để nâng cao trách nhiệm của mỗi hộ gia đình và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả xây dựng bảo vệ vững chắc “Pháo đài” trên mặt trận phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Nhiệm vụ của Mặt trận và các ban ngành đoàn thể cơ sở
- Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hưởng ứng, thực hiện  tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả để người dân hiểu công tác phòng chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân, tự giác bảo vệ mình, cho gia đình, góp phần bảo vệ cho cộng đồng.
- Tổ chức hoạt động có hiệu quả mô hình “5 nhà giúp 1 nhà” nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ và giám sát người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thường xuyên thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh để nhân dân nắm bắt và chủ động phòng, chống dịch. Đồng thời, phát động phong trào mỗi người dân là một camera giám sát” trong việc giám sát, thông tin kịp thời cho đơn vị chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 “Mỗi người dân là một chiến sỹ”:  được hiểu người dân vừa là trung tâm, cần phải được chăm lo, phục vụ, vừa là chủ thể trực tiếp tham gia vào phòng chống dịch bệnh Covid-19; mỗi người dân cần phải chủ động, tích cực, tự giác tuân thủ chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch, ra sức bảo vệ vững chắc xã, thị trấn đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.
- Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp như hiện nay, mỗi người dân trước hết phải tin tưởng, ủng hộ vào các quyết sách, biện pháp của Nhà nước, của tỉnh, huyện tự nguyện làm theo tốt nhất. Mỗi người dân cần tự giác chấp hành, nâng cao ý thức, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng cộng đồng, chính quyền địa phương quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
- Mỗi người dân tuân thủ nghiêm quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tuyệt đối tuân thủ “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn). Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
- Tự giác khai báo với cơ quan y tế khi trở về từ vùng dịch và các trường hợp tiếp xúc F0, F1 (theo thông báo của Bộ Y tế) để giám sát. Chủ động cách ly, theo dõi sức khỏe, nếu thấy có dấu hiệu dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giúp bảo vệ bản thân và gia đình.
- Đặc biệt là khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở đó”; nhà cách ly với nhà. Người dân nên ở nhà, hạn chế tối đa việc đi lại, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; không tập trung đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác.
- Không nên hoang mang tích trữ lương thực, thực phẩm, khẩu trang... khi không cần thiết, cấp bách. Khuyến khích sử dụng thương mại điện tử, mua hàng qua điện thoại và giao hàng tại nhà.
- Mỗi người dân là một chăm sóc viên nâng cao sức đề kháng, ăn, uống, sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên, theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân và gia đình. Chủ động tìm hiểu Quyết định số 4156/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà để hiểu rõ triệu chứng, diễn biến để có biện pháp ứng phó phù hợp từng lúc khi không may bản thân, người thân mắc bệnh.
- Mỗi người dân là một tuyên truyền viên, giám sát viên thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các thành viên gia đình thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kịp thời thông tin cho Tổ Covid cộng đồng, các cơ quan chức năng để phản ánh tình hình và khi phát hiện trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Người dân cần theo dõi thông tin trên các kênh chính thống, tránh chia sẻ những thông tin sai sự thật làm hoang mang dư luận. Nêu cao tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

 

Tác giả bài viết: Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây