Công dân cần hiểu rõ và thực hiện tốt quyền bầu cử của mình.

Thứ tư - 05/05/2021 13:49
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào ngày 23/5/2021(Chủ nhật).
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,… Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước...Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chính là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Tất cả công dân nước CHXHCN Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND theo quy định của pháp luật. Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với đất nước.
Thực tế qua nhiều cuộc bầu cử cho thấy, bên cạnh số đông cử tri tâm huyết với đất nước, nêu cao trách nhiệm công dân, cũng còn một bộ phận cử tri có biểu hiện bàng quan, lơ là với việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Biểu hiện phổ biến ở những cử tri này là thiếu quan tâm đến cuộc bầu cử, coi sự kiện chính trị quan trọng này không có liên quan đến bản thân mình nên thường nhờ người khác bầu hộ, thậm chí không tham gia bỏ phiếu. Một bộ phận không nhỏ cử tri không tìm hiểu kỹ về nhân thân các ứng cử viên, không căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu để so sánh, lựa chọn người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Có cử tri khi cầm lá phiếu trong tay vẫn chưa biết số lượng đại biểu được bầu, chưa hiểu hết về từng ứng cử viên, nên gạch tên đại biểu một cách vô thức, rồi bỏ vào hòm phiếu để được đóng dấu “Đã bỏ phiếu”. Chính những biểu hiện này không những tự mình tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình, mà còn là hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc.
Để cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của công dân.
Để đảm bảo thực hiện đúng và đủ quyền, nghĩa vụ của công dân trong công tác bầu cử thì mỗi công dân cần phải nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích của Cuộc bầu cử, quyền lợi và trách nhiệm của cử tri, những quy định cụ thể về quy định và thể lệ bầu cử, tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri, trên cơ sở đó để lựa chọn những ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, thật sự tiêu biểu của dân tại cơ quan dân cử.
Mỗi công dân cần tự mình tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu cần thiết của Quốc hội, HĐND các cấp, số lượng ứng cử viên và số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử. Ứng cử viên ghi trong phiếu bầu cử là những người đã được lựa chọn, đều đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi cầm lá phiếu trên tay, mỗi công dân cần phải cân nhắc, lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có kiến thức, năng lực phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân với cơ quan dân cử.
Đặc biệt, càng đến gần ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị lại càng điên cuồng ra sức chống phá bằng những chiêu trò khác nhau. Vì vậy, để đấu tranh làm thất bại các âm mưu chống phá bầu cử, trước hết mỗi người dân cần tỉnh táo, sáng suốt nhìn nhận được mưu đồ của chúng để đấu tranh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công, trở thành ngày hội của toàn dân với tinh thần phấn khởi, tự hào. Mỗi cử tri thông qua lá phiếu có trách nhiệm của mình lựa chọn những đại biểu thực sự có đức, có tài đại diện cho lợi ích, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, xứng đáng là nơi gửi gắm niềm tin của cử tri. vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Tác giả bài viết: Dân Phạm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây