Một số giải pháp kỹ thuật cho cây trồng vụ Hè Thu năm 2021 nhằm phòng chống hạn trên địa bàn huyện An Lão

Thứ hai - 31/05/2021 14:03
Hiện nay, điều kiện thời tiết trên địa bàn huyện An Lão khá phức tạp, nhiệt độ nắng nóng kéo dài, không có mưa thiếu nước sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa và cây trồng cạn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện và các ngành chuyên môn cấp trên. Để chủ động trong công tác phòng chống hạn cây trồng, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã ban hành Văn bản số 46/GP-TTDVNN ngày 27/5/2021 đưa ra một số giải pháp kỹ thuật cho cây trồng vụ Hè Thu để giúp các địa phương phòng chống hạn như sau:
Đối với công tác thực hiện đầu vụ: Khoanh vùng diện tích không chủ động nước, diện tích có khả năng thiếu nước để chuyển đổi cây trồng, từ diện tích trồng lúa sang trồng cạn nhằm tiết kiệm đủ nước tưới cho cây trồng. Những vùng thiếu nước cần chủ động quy hoạch chuyển đổi nếu lượng nước chỉ đủ tưới cho 1ha lúa thì chuyển đổi qua 4ha cây trồng cạn. Làm đất thật kỹ, (cày sâu, bừa kỹ, bằng phẳng, lên hàng, luống…), tưới thấm theo rãnh, theo luống
Tưới nước tiết kiệm cho cây lúa: Giai đoạn ruộng sạ 5 - 6 ngày tháo nước vào từ 1-2cm, phun thuốc trừ cỏ. Giai đoạn 8 – 10 ngày tháo nước 3 – 4 cm, bón phân lần 1, giữ nước rặc đến nứt chân chim tháo nước vào đến 22 – 25 ngày tháo nước vào bón phân lần 2 để nước rặc đến nứt chân chim. Giai đoạn 40 – 45 ngày là giai đoạn bón phân lần 3, tháo nước vào 3 – 4 cm để nước rặc đến nứt chân chim. Giai đoạn 60 – 70 ngày chủ động giữ nước trong ruộng 5 – 7 cm. Đây là giai đoạn lúa đòng trỗ nên cần giữ nước cho cây lúa trỗ và thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép lửng.
Giải pháp kỹ thuật phòng chống nhiễm phèn: Trong thời tiết nắng hạn những chân ruộng tháo nước lứa, ruộng nước bấp bênh nước cần chú trọng trọng kỹ thuật canh tác như: nạo vét mương, rãnh từ 15-20 cm để xả phèn, tạo luống từ 1,5-2 m, sâu 8-12 cm để tránh trục phèn lên lá. Bón phân cân đối giữa các loại phân đạm, lân và kali. Ruộng bị nhiễm phèn cần bón thêm những loại phân có chứa nhiều lân dễ tiêu và DAP, NPK; có thể bón thêm sufer lân, vôi bột. Phun thêm phân bón lá chuyên dụng cho lúa như Hydrophos giúp giải độc phèn trong cây để cây hấp thụ dễ dàng và giúp cây phục hồi sức khoẻ, ra rễ mới với liều lượng: 50cc pha 32 lít nước phun/sào. Dùng CaNO­­3 giúp giải độc phèn trong đất, sử dụng 1 kg/sào.
Giải pháp kỹ thuật phòng trừ cỏ dại: Đối với ruộng chủ động nước 1 - 3 ngày sau sạ, phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm. Ruộng mất nước, ruộng tháo nước lứa, dễ bị cỏ dại mọc lại nhanh chóng, chúng ta cần căn cứ vào từng loại cỏ, lá cỏ để sử dụng thuốc hậu nảy mầm như  sirius, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
Giải pháp phòng trừ bọ trĩ: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn rất thuận lợi bọ trĩ xuất hiện và gây hại trên chân ruộng sạ sớm và sạ trễ vụ. Cần chú ý lúa mới sạ đầu vụ cần phát hiện sớm, tăng cường chăm sóc bón phân, giữ nước hợp lý. Khi bọ trĩ gây hại dùng 2gam Actara 2.5WG pha 24 lít nước phun/sào.
Giải pháp phòng trừ rầy: Đối với những ruộng giai đoạn tượng khối sơ khởi (đang đòng đất): Những ruộng bấp bênh nước, tháo nước lứa cần chú ý các đối tượng sinh vật gây hại như: Rầy nâu, rầy lưng trắng: Khi mật độ rầy lên cao 3 con/dãnh, cần giữ nước trong ruộng từ 2-4 cm và  tiến hành phun thuốc phòng trừ với liều lượng: 2 gam Actara 25 WG + 50 cc Bassa 50 ND pha 30- 40 lít nước phun/ sào. Ngoài ra cần theo dõi chú ý một số đối tượng khác như bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân và có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Đối với cây trồng cạn: Khi cây trồng cạn thiếu nước có biểu hiện héo lá, không được tưới nước vào buổi trưa vì dễ gây vỡ mạch tế bào, không được tưới tràn qua luống, cần áp dụng tưới thấm để hạn chế bệnh chết ẻo cây con do nấm bệnh gây ra./.

 

Tác giả bài viết: QB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây