Phát triển thương mại, dịch vụ ở An Lão

Thứ hai - 07/12/2020 15:07
Cùng với chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện An Lão đã thực hiện nhiều giải pháp, nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có và mời gọi thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Phát triển thương mại, dịch vụ ở An Lão
An Lão là huyện miền núi, mạng lưới giao thông nối liền các xã, thị trấn trong huyện đang từng bước được hoàn thiện. Cùng với đó, sản xuất nông, lâm nghiệp ngày càng phát triển, số lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp ngày càng nhiều, góp phần quan trọng vào việc tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Vì vậy sức mua hàng hóa trên địa bàn ngày một tăng cao. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các ngành thương mại - dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, tham gia các hoạt động kinh doanh trên địa bàn; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh. Nhờ vậy, những năm gần đây, thương mại - dịch vụ của huyện phát triển mạnh, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng  nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Hiện, trên địa bàn huyện có hơn 1.000 cơ sở cá thể và trên 50 doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại - dịch vụ, tập trung vào các lĩnh vực như: Nhà hàng, shop thời trang, dịch vụ vận tải, kinh doanh tạp hóa, sửa chữa xe máy, xây dựng, sản xuất đồ gỗ… Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2020, tổng thu từ hoạt động thương mại - dịch vụ của huyện đạt hơn 261,76 tỷ đồng, tăng 13,82% so với cùng kỳ năm 2019. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,2% năm 2015 dự kiến xuống còn 26,9% năm 2020. Trong đó, có nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ tham gia kinh doanh thương mại - dịch vụ.
Hạ tầng thương mại phát triển, sự xuất hiện của các siêu thị điện máy, cửa hàng tự chọn dọc tuyến đường 629 không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân mà còn làm cho diện mạo vùng nông thôn thêm đẹp đẽ hơn. Người dân cũng được tiếp cận và lựa chọn nhiều loại hàng hóa theo nhu cầu. Chị Đinh Chị Chân ở thôn 6, xã An Quang chia sẻ: Những năm gần đây, khi giao thông phát triển, việc lưu thông hàng hóa ngày càng trở nên thuận tiện. Hầu hết các loại mặt hàng đều đã được phân phối về tận trung tâm các xã, thị trấn. Đặc biệt, sự xuất hiện của các siêu thị, cửa hàng, đại lý lớn, bày bán đầy đủ các mặt hàng đã giúp người dân không còn phải di chuyển quãng đường xa gần 40km về trung tâm thị xã Bồng Sơn để chọn mua hàng hóa như trước đây.
Hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển còn góp phần tạo việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn. Theo khảo sát, mỗi cơ sở cá thể, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã tạo việc làm cho từ 3 đến trên 20 lao động.
Với tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm của huyện trong việc phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn đã góp phần phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các dự án đầu tư dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện có quy mô lớn còn ít, đa phần vẫn là các điểm kinh doanh mang tính chất cá nhân, nhỏ lẻ, không tập trung, thiếu sự liên kết. Do vậy, huyện đang tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây