Ngày 23 tháng 5 tới đây, nhân dân ta vừa phấn khởi kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890-19/5/2021), vừa thực hiện quyền dân chủ của mình tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, để sáng suốt chọn lựa những người đủ đức, đủ tài, lo gánh vác việc dân, việc nước. Mỗi kỳ bầu Quốc hội, toàn dân ta lại bồi hồi xúc động nhớ về những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “… Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.
Cách đây 76 năm, ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị sớm có một cuộc bầu cử để thông qua Hiến pháp, Người nói: “… Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải có tổ chức càng sớm càng hay, cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Khi được Chính phủ ủng hộ, toàn dân tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, ngày 5/1/1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: “… Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày sung sướng của đồng bào ta và ngày mai là ngày tổng tuyển cử… Ngày mai tất cả các bạn cử tri nhớ đi bầu cử. Ngày mai mọi người đều vui vẻ hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do”. Theo Bác, việc đi bầu cử là quyền lợi của mỗi người dân, mà quyền lợi cao nhất, lớn nhất chính là được thể hiện rõ ràng tư thế của một người dân độc lập, tự do. Vì vậy, Người căn dặn đồng bào “phải nhớ đi bầu cử” và “mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. Việc đi bầu cử không chỉ là niềm vui cá nhân mà trở thành niềm vui của dân tộc, của đất nước, đó là sẽ góp phần “đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”. Trong bài “Ý nghĩa của Tổng tuyển cử” đăng trên Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945, Người viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”. Bác cũng từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”. Người căn dặn: “…dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình gánh vác việc nước”; “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã nhận thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào khi được thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của người công dân, nghiên cứu và lựa chọn cho mình những đại biểu ưu tú, tiêu biểu về đức - tài để bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, gánh vác trọng trách lớn lao mà nhân dân tin tưởng trao gửi. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn một bộ phận cử tri chưa thật sự coi trọng quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước, chưa nắm rõ quy định của pháp luật về bầu cử, tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn thờ ơ, đơn giản, bầu hộ, bầu thay, đi bỏ phiếu cho xong chuyện, không có sự tìm hiểu, lựa chọn một cách kỹ lưỡng. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là nơi để cử tri cả nước phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Bởi vậy, cử tri cần cố gắng khắc phục khó khăn, sắp xếp hợp lý công việc của cơ quan, gia đình, tự mình đi bầu cử, tự viết phiếu bầu và bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu thay khi mình có đủ điều kiện đi bầu cử. Trường hợp cần thiết viết hộ người khác phải tuyệt đối giữ bí mật phiếu bầu của cử tri. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì được nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Tuân thủ theo nội quy phòng bỏ phiếu, ghi nhớ hướng dẫn của Tổ bầu cử, tránh sai sót khi bầu. Khắc phục các hiện tượng qua loa, đại khái, bầu cho qua chuyện, không xem xét kỹ lưỡng trước khi bầu. Kiên quyết “không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”.