An Lão - Nghiêm cấm chặt hạ cây để hái trái Ươi.

Thứ ba - 22/06/2021 15:30
An Lão - Nghiêm cấm chặt hạ cây để hái trái Ươi.
Các loại cây trái khác ít nhất mỗi năm có một mùa, trái Ươi bốn năm mới có một vụ, nhất là ươi chín khô, còn gọi là Ươi bay.  Nói bốn năm một vụ là với một đời cây, nhưng lớp trước, lớp sau thay phiên nhau ra trái nên năm nào cũng có như do việc khai thác chặt hạ cả cây nên mấy năm mới có mùa trái ươi. Năm nay rộ mùa ươi là một điều kì lạ.
Hiện nay trên địa bàn huyện An Lão, tại các xã An Dũng, An Quang, An Nghĩa, An Trung, An Hưng, An Vinh và thị trấn An Lão  đang vào  mùa Ươi chín. Có lẽ mỗi hạt ươi đều có một cái đài. Khi đến kì, ươi không rụng trực tiếp xuống gốc, mà nhờ cái đài này làm cánh nâng hạt ươi xoay tròn trong không gian như một con vụ rồi nhờ gió mang đi nên gọi là Ươi bay.  Cây ươi ở càng cao thì hạt được gió mang đi càng xa. Cứ thế, cứ thế, rừng ươi được nhân lên theo thời gian tầng tầng, lớp lớp.
Trước đây người dân miền núi An Lão lên rừng đốn củi, đến mùa ươi, người ta lượm thêm hột ươi bay. Ít thì ăn. Nhiều đem ra chợ bán. Giá cả không đáng kể. Hạt ươi khô cắt hai đầu đem ngâm trong nước nó sẽ nở to, lột bỏ vỏ, trộn thêm đường, ăn vào có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Nhưng không hiểu sao năm nay ươi bay được giá quá chừng, giá gốc từ 200.000 đến 220.000 đồng một kí lô gam. Nếu đem tận nơi bán giá cả có thể gấp nhiều lần.
Từ giá ươi giá cả cao đó , vùng rừng núi An Lão trở thành điểm hẹn lí tưởng của việc khai thác. Người ta không còn lượm thủ công nữa mà dùng cưa máy đốn hạ cây xuống để lấy hạt. Ai thấy trước hạ trước, bất kể lớn nhỏ, ngắm nghía thấy cây sây trái còn ít lá là hạ xuống. Họ suốt tuốt tuồn tuột từ già chí non. Những hạt còn sót lại con nít lượm hai ba kí là chuyện bình thường. Những bậc lão nông cho rằng, hàng mấy chục năm mới có một cây ươi, dẫu rằng người dân thiểu số có ôm gốc cây bất chấp mạng sống của mình bảo vệ, mà với số lượng cưa tẹc vào rừng như thế thì ươi có nhiều bao nhiêu cũng dần dần bị tuyệt chủng. Người ta chỉ biết hạ cây xuống hái trái chứ không nghĩ đến mùa sau. Cũng có người cầm cưa lên đắn đo, xót xa, day dứt: “Được đời mình rồi con cháu ra sao? Nhưng ý nghĩ tốt đẹp chỉ thoáng qua ,hễ lưỡng lự không ra tay, thì người khác sẽ cưa mất. Việc  khai thác ồ ạt và bừa bãi như thế thì hậu quả khôn lường. Chưa nói chuyện mùa lũ năm nay sẽ đến sớm hơn và nạn sạt lở rừng xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương huyện An Lão mới đây đã có thông báo nghiêm cấm chặt hạ cây để hái trái ươi .Theo đó, để công tác quản lý bảo vệ rừng được thuận lợi, khai thác bền vững sản phẩm và bảo tồn loài cây ươi, nghiêm cấm mọi trường hợp mang máy cưa vào rừng để khai thác, cưa hạ cây để hái trái ươi.Các hộ nhận khoán rừng có trách nhiệm thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát  hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, báo cáo kịp thời  cho nhân viên quản lý, bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện An Lão để phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời. Nếu hộ, nhóm hộ nhận khoán nào thiếu trách nhiệm để tài nguyên rừng bị xâm hại Ban Quản lý rừng phòng hộ sẽ trừ % tham toán hoặc chấm dứt hợp đồng giao khoán đối với  hộ, nhóm hộ đó.
UBND các xã, thị trấn  trong huyện phối hợp tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân việc thu lượm ươi chín khô, còn lại là ươi bay mới có giá trị cao, giúp người dân thấy rõ tầm quan trọng và giá trị kinh tế mang lại của cây ươi, từ đó có sự đồng thuận trong việc bảo vệ, vận động người dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ loài cây ươi cũng như thực hiện việc khai thác quả ươi theo đúng quy định, qua đó làm tốt công tác bảo tồn, khai thác bề vững sản phẩm dưới tán rừng, nhất là cây ươi trong thời gian đến.
Ta đã từng thấy Trung Quốc mua hạt điều, mua ốc bươu vàng,  mua đỉa…và bây giờ thu mua ươi bay. Mua với mục đích gì ta chưa rõ, nhưng chắc chắn một điều không phải đơn thuần là dùng để ăn. Nhưng ta có bán thì họ mới có mua. Cho nên ta đừng vì lợi nhuận trước mắt mà quên đi hậu quả. Chỉ sợ rằng “Gậy ông sẽ đập lưng ông”.
 Rừng núi An Lão nói riêng và rừng núi Bình Định nói chung đang đứng trước một thử thách lớn liên quan đến vấn đề tồn – vong. Vì vậy chúng ta cần có biện pháp bảo vệ rừng hữu hiệu, vì bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

 

Tác giả bài viết: Thy Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây