Mùa măng rừng

Thứ tư - 10/11/2021 07:41
Khắp cánh rừng của huyện miền núi An Lão, có nhiều loại họ tre cho măng như: lồ ô, nứa, giang… Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 (âm lịch) cũng là mùa măng mọc nhiều nhất. Các gia đình người đồng bào miền núi nơi đây lại bước vào mùa thu hoạch măng. Măng không chỉ là lương thực dự trữ lâu nay của bà con trong mùa mưa lũ mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Mùa măng rừng
Ngay từ sáng sớm, từ người già đến trẻ nhỏ đã rủ nhau cùng lên rừng hái măng. Công việc hái măng cũng không đơn giản. Vì những bụi tre, lồ ô thường mọc trong rừng, măng mọc giữa các cây tre, lồ ô lớn, do đó người dân gặp khá nhiều vất vả mới hái được măng. Những tai nạn do những gai tre đâm phải, trượt chân, té ngã trong lúc đi rừng hái măng vẫn xảy ra. Những bụi cây rậm rạp sau những đợt mưa cũng là nơi “trú ngụ” lý tưởng của nhiều loại côn trùng như muỗi, rắn, rết, vắt... nên bà con phải rất thận trọng.
Cuối chiều, những gùi măng chất đầy trên lưng được các mẹ, các chị, các em nhỏ đưa về nhà. Sau khi rửa sạch và để ráo, bà con dùng dao, rựa để xắt phần non các búp măng rồi đem luộc chín trong chiều để bán cho thương lái kịp về xuôi.
Ông Nguyễn Chín (xã An Hòa)- người thu mua măng rừng nói: “Trung bình mỗi ngày tôi mua gần 100 kg măng lồ ô, nứa, măng le,…của bà con xã An Toàn. Giá măng cũng dao động lắm, lúc lên, lúc xuống tùy thị trường, măng lồ ô có giá 15.000 đồng/kg. Măng nứa đẹp có giá 8.500 đồng/kg, măng không đẹp lắm chỉ bán được giá 6.500 đồng/kg. Những người phụ nữ có sức khỏe, kinh nghiệm đa phần đều tìm được măng đẹp, còn măng giá thấp nhất chủ yếu của các em nhỏ….”.
Trung bình, mỗi ngày, chị Đinh Thị Dép, thôn 2, xã An Toàn hái bán khoảng 20kg măng lồ ô đã luộc chín, trừ chi phí thu được gần 200.000 đồng/người. Chị Đinh Thị Dép cho biết: “Vào mùa măng rừng, bà con vào rừng hái đông lắm. Công việc cũng khá là vất vả nhưng bù lại có thêm một khoản thu nhập cho gia đình”.
Hái măng là công việc đòi hỏi sự cần cù, kiên nhẫn và cả đôi bàn tay có chút khéo léo để bẻ được những búp măng hay bóc tách các lớp lá áo. “Bây giờ kinh tế thị trường người ta mới hái măng đem buôn bán, chứ xưa chỉ hái để cho gia đình, họ hàng ăn thôi, nên đấy cũng là công việc tề gia nội trợ của người phụ nữ”- chị Dép, chia sẻ thêm
Măng có mặt ở hầu khắp các cánh rừng An Lão khi mùa mưa đến và kéo dài cho đến hết tháng 10, 11 âm lịch. Ở đâu có bóng họ cây nhà tre, ở đấy có những búp măng. Dẫu khoa học kỹ thuật có tiến bộ, con người thậm chí trồng được cả những gốc măng tươi ngay giữa ngày hè oi nóng thì những búp măng rừng vẫn có sức hấp dẫn riêng mỗi khi mùa mưa về. Và cũng nhờ thế, những người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó ở các bản làng gần rừng lại có những ngày mùa hái măng vất vả, cực nhọc nhưng bù lại, họ và gia đình có được những bữa cơm ấm no hơn./.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây