An Lão tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số
Thứ sáu - 17/07/2020 14:17
An Lão là một huyện miền núi của tỉnh Bình Định, với trên 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức rõ việc trang bị tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của các em. Vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Quyết định số 4022/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án. Đến nay, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, việc dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đồng bộ giải pháp Để thực hiện Đề án đạt hiệu quả,UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường thuộc Đề án tham mưu các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ của học sinh;tranh thủ sự ủng hộ tích cực của địa phương tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu và nội dung Đề án đến các tổ chức đoàn thể và Nhân dân thông qua các cuộc họp từ cấp xã và các thôn. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường phổ biến kiến thức khoa học về nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng thông qua công tác truyền thông và hướng dẫn các trường lồng ghép các nội dung tuyên truyên thông qua các buổi họp trong trường và từng lớp; xây dựng các góc tuyên truyền ở trường, lớp có nội dụng phù hợp theo từng chủ đề; khuyến khích phụ huynh tăng cường sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp với trẻ. Hàng năm, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các trường tổ chức tốt các ngày lễ hội cho trẻ như ngày hội bé đến trường, Tết trung thu, Quốc tế thiếu nhi, ngày hội bánh tết;đồng thời tổ chức tốt các hội thi như: Hội thi bé vui khỏe, Hội thi bé yêu tiếng Việt (ở bậc mầm non) và Hội thi Giao lưu tiếng Việt, vở sạch, chữ đẹp, đố vui để học (ở cấp tiểu học)từ cấp trường đến cấp huyện. Thông qua các hội thi này nhằm thu hút sự quan tâm của phụ huynh đến việc học của con em ở trường và cũng thông qua hội thi tuyên truyền đến các bậc phụ huynh những kiến thức và hiểu biết về chương trình giáo dục nói chung và Đề án nói riêng. Ngoài ra, hàng năm Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường triển khai cho cán bộ quản lý, giáo viên viết những bài viết truyền thông, đề tài sáng kiến và bài tham luận đi sâu vào những giải pháp giúp nâng cao nhận thức về mục tiêu của Đề án. Bên cạnh đó, các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt cũng được tăng cường. Huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều phòng học mới khang trang, phòng chức năng, xây dựng tường rào cổng ngõ, mái hiên ở một số điểm lẻ ở vùng cao. Đặc biệt, một số trường phối hợp tốt với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động phụ huynh làm nhà bếp ngay tại một số điểm lẻ vùng cao để phục vụ cho việc tổ chức ăn bán trú của trẻ; phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ của xã để trồng cây xanh, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp và xây dựng khu vận động cho trẻ vui chơi, đóng góp một số đồ dùng, vật dụng, trang phục truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương để tạo góc truyền thống trong mỗi lớp học; các đồ dùng, vật dụng, cây xanh... đều có gắn tên tiếng Việt, tạo môi trường tiếng Việt và tạo cơ hội cho trẻ nói tiếng Việt. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án, Phòng GD&ĐT rất chú trọng vào việc bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Tất cả cán bộ quản lý và giáo viên ở các trường đang thực hiện Đề án đều được tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ đầy đủ. Nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó Theo thống kê của UBND huyện, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án, toàn huyện có 100% cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học thuộc Đề án xây dựng được kế hoạch tăng cường tiếng Việt dạy trẻ lồng ghép vào các hoạt động giáo dục; 100% đơn vị trường tổ chức tuyên truyền về Đề án bằng nhiều hình thức phong phú; 100% các lớp học thuộc Đề án có góc tuyên truyền phụ huynh;100% cán bộ quản lý và giáo viên được tham gia các lớp tập huấn, thao giảng, hội thảo về Đề án; 100% các đơn vị trường được kiểm tra đánh giá việc thực hiện Đề án; 60% các đơn vị trường thuộc Đề án thực hiện tốt công tác xã hội hóa. Chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện An Lão đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là giáo dục vùng DTTS. Học sinh người DTTS đã giao tiếp tự tin hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, môi trường học tập thân thiện hơn cho cả giáo viên và học sinh. Tính đến năm học 2019-2020, toàn huyện có 7/10 trường mầm non, mẫu giáo công lập thuộc Đề án với có 36 nhóm lớp, trong đó có 22 lớp bán trú, tăng 12 lớp so với năm 2016, huy động học sinh học 2 buổi/ngày đạt 91,6%. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số ra lớp 98%, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. đạt với mục tiêu Đề án. 100% trẻ ra lớp đều được tăng cường tiếng Việt phù hợp với khả năng và độ tuổi đạt mục tiêu của Đề án đưa ra. Đối với cấp tiểu học, có 8/10 trường thuộc Đề án với 82 lớp và 1.344 học sinh. Có 141 giáo viên đang dạy các lớp có học sinh người dân tộc thiểu số, đảm bảo đủ số lượng giáo viên trên lớp. Trong đó, 100% cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu giảng dạy và thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu Đề án. Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu của đề án; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em người DTTS… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS trên địa bàn huyện.