An Lão, vùng “đất thép” năm xưa.

Thứ ba - 30/06/2020 07:52
An Lão mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng hào hùng, mỗi tên làng, tên đất, tên sông An Lão đều ghi dấu ấn những chiến công, con người An Lão cần cù, giàu lòng yên nước và tinh thần hiếu học
An Lão, vùng “đất thép” năm xưa.
Huyện An Lão có 01 di tích lịch sử cấp quốc gia (Di tích lịch sử Chiến thắng An Lão), 6 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm : (Di tích lịch sử Gộp Đá lớn An Quang, Di tích lịch sử vụ Thảm sát Giếng Đồn, Di tích lịch sử vụ thảm sát Đá Bàn, Di tích lịch sử - Nơi đặt Đài tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống pháp, Di tích lịch sử Địa điểm in bạc tín phiếu Liên khu V, Di tích lịch sử Địa điểm Trường quân chính quân khu V) . Những chứng tích hào hùng này đang lưu giữ một thời kỳ chiến đấu gian khổ nhưng oanh liệt; gieo vào tâm khảm những thế hệ tương lai lòng tự hào về “vùng đất thép” là điểm tựa để giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng trong thời kỳ mới.
Trong kháng chiến chống Pháp, An Lão là hậu cứ quan trọng của cách mạng. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất này là căn cứ cách mạng khi là nơi đặt nhiều cơ quan, đơn vị bộ đội...
“Đất An Lão đâu nằm im chịu giặc
Rẫy dứa hầm chông, ngọn cau liên lạc
Anh cầm cày, chị bắt ốc ven sông
Đặt bẫy gài mìn chờ cuộc phản công...
... Cả sự sống chuyển ngầm trong mạch đất
Mỗi tin yêu nuôi lớn một ước mơ”
                                                       (Bài thơ An Lão của Yến Lan 12/1964)
          Mỗi ngọn núi, con sông nơi đây đều từng chứng kiến những tháng ngày rực lửa, hừng hực khí thế cách mạng và cả những hy sinh thầm lặng của thế hệ đi trước. Mỗi di tích lịch sử đều mang trong mình một câu chuyện về một thời máu lửa, đầy đau thương nhưng rất đỗi tự hào của những người con An Lão.
Di tích lịch sử Chiến thắng An Lão (Xã An Tân): Chiến thắng An Lão (7/12/1964) có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Lần đầu tiên trên địa bàn Khu V, quân ta đánh bại hệ thống phòng ngự của địch bằng cụm cứ điểm kết hợp với hệ thống ấp chiến lược; đồng thời Chiến thắng An Lão đã làm thất bại chiến thuật “Trực thăng vận, thiết xa vận” của Mỹ - Ngụy, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên chiến trường khu V. Chiến thắng An Lão cũng đánh dấu bước trưởng thành của quân chủ lực Khu V, lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích trong việc phối hợp thực hiện phương án tác chiến mới dưới hình thức chiến dịch quy mô cấp trung đoàn.
Về chiến thắng An Lão, đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng viết: “Chiến thắng An Lão phối hợp kịp thời với chiến thắng Bình Giã và phong trào chiến tranh du kích toàn miền Nam đã đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào nguy cơ bị tan rã đưa chiến tranh du kích tiến lên một bước mạnh mẽ. Đối với Khu V, chiến thắng An Lão đánh dấu một bước chuyển biến mới của phong trào”. 
Di tích lịch sử Gộp Đá lớn An Quang (xã An Quang). Tại Gộp Đá Lớn An Quang năm xưa, nơi đây diễn ra trận chống càn quyết liệt giữa lực lượng cách mạng gồm 3 đồng chí và một tiểu đoàn lính Mỹ có trang bị vũ khí tối tân, 40 gia đình của đồng bào đang trú ẩn tại đây đã được bảo vệ an toàn. Trận chiến thắng lợi và người anh hùng Đinh Ruối đã đi vào lịch sử như một huyền thoại và là một biểu tượng đậm nét về lòng yêu nước, căm thù giặc của nhân dân An Lão. Là minh chứng cho sự chiến đấu bền bỉ, gan dạ, anh dũng hy sinh bảo vệ sự sống cho đồng bào của dân quân du kích địa phương.
Di tích lịch sử vụ Thảm sát Giếng Đồn (Thôn Tân An - Xã An Tân): Là một trong những chiến tích ghi lại và tàn sát đẫm máu của chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ-Diệm. Tại đây tháng 8/1955 bọn tay sai của chế độ Ngô Đình Diệm đã bí mật thủ tiêu 21 chiến sĩ cách mạng trung kiên và đồng bào yêu nước trong xã rồi ném xác xuống giếng để phi tang ; Di tích lịch sử vụ thảm sát Đá Bàn (Xã An Hưng): Cách đây 60 năm nơi đây đã diễn ra cuộc tàn sát đẫm máu điển hình của luật 10/59 của chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ-Diệm trên chiến trường Bình Định, vào lúc 9h00 ngày 21/11/1960 , địch đã giết sạch 34 người dân đồng bào H’re , thiêu rụi 14 nóc nhà ,dìm tại làng Đá Bàn trong biển máu và căm hận. Hai di tích trên là chứng tích thương đau, thể hiện sự độc ác và man rợ của địch như chính cái tên của nó.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) An Lão là vùng tự do của liên khu V, là thủ phủ kháng chiến của tỉnh Bình Định và của Nam Trung Bộ, là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho chiến khu V, là địa bàn xung yếu có tầm chiến lược quan trọng  về chính trị, quân sự, kinh tế của Nam Trung Bộ và Nam Đông Dương. Với tầm quan trọng ấy, An Lão được Trung ương chọn làm nơi đặt các cơ quan của chính phủ và khu V như : Di tích lịch sử - Nơi đặt Đài tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống pháp (Thôn Thuận Hòa - Xã An Tân) Đài tiếng nói Nam Bộ ra đời ngày 01/6/1946 tại tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình hoạt động để đảm bảo bí mật Đài tiếng nói Nam Bộ đã nhiều lần di chuyển địa điểm ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Đài tiếng nói Nam Bộ, tiếng nói hào hùng, khí thế của Nam Bộ kháng chiến, công cụ tuyên truyền đắc lực phục vụ chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Di tích lịch sử Địa điểm in bạc tín phiếu Liên khu V (Xã An Hòa) Tại huyện An Lão có đến 3 địa điểm in bạc Tín phiếu của Liên khu V tại các xã An Tân, An Trung và An Hòa, là nơi cung cấp tín phiếu chi tiêu cho người dân trong khu vực bị địch tạm chiếm, đóng góp vào ngân khố Trung ương, phá vỡ thế trận của đồng tiền Đông Dương, góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam;
Di tích lịch sử Địa điểm Trường quân chính quân khu V (Thôn 2- xã An Quang). Trường được thành lập từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Di tích Địa điểmTrường quân chính quân khu V thuộc Thôn 2- xã An Quang- huyện An Lão là địa điểm trường chuyển quân lần thứ 14 để đảm bảo bí mật trong quá trình hoạt động. Từ tháng 9/1972 đến đầu năm 1974, Trường là nơi đào tạo và bổ túc cán bộ quan sự, chính trị cấp tiểu đoàn, đại đội bộ binh và binh chủng, tổ chức tốt nghiệp hai khóa 20 và 21với hơn 1.000 học viên, đồng thời diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ trường lần thứ VI và nhiều hoạt động thi đua sôi nổi.
Năm 2014, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng An Lão (7/12/1964- 7/12/2014). Từ nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ, ngân sách địa phương  và các nguồn vốn hợp pháp khác huyện An Lão đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng Tượng đài chiến thắng An Lão, nhà tưởng niệm anh hùng Đinh Ruối, nhà bia di tích Vụ thảm sát Đá Bàn, Gộp Đá Lớn An Quang, nơi đặt Đài tiếng nói Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, địa điểm in bạc tín phiếu Liên khu V, bia căm thù Giếng Đồn, Trường quân chính Quân khu V.
d

Hình ảnh: Tượng đài Chiến thắng An Lão
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng anh hùng của quê hương, 56 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện An Lão đã đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng quê hương, đạt được những kết quả to lớn trên nhiều mặt. Diện mạo nông thôn miền núi An Lão đang từng ngày đổi thay và khởi sắc. Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hàng năm giảm bình quân 7,5%, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể: Toàn bộ đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được bê tông hóa; 100% số xã được sử dùng điện lưới quốc gia; 100% số thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 10/10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Kinh tế - Xã hội trên địa bàn huyện có bước khởi sắc đáng kể. Các xã vùng cao đều có hệ thống trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa. Huyện đang đang đẩy mạnh thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Khắc Thân  (thôn  Xuân Phong Bắc - Xã An Hòa - huyện An Lão) cho biết: “Bản thân tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương An Lão. Đây không chỉ nổi tiếng là vùng đất có phong cảnh “sơn thủy hữu tình” mà còn mang trong mình bề dày lịch sử chống giặc ngoại xâm, với rất nhiều di tích lịch sử quan trọng và đặc biệt là Chiến thắng An Lão. Sau bao khói lử đạn bom, những khó khăn vất vả nhưng với bản lĩnh nghị lực phi thường tôi tin rằng An Lão sẽ viết tiếp thêm những trang sử hào hùng của dân tộc. ”
         

Tác giả bài viết: Dân Phạm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây