SỰ TRƯỞNG THÀNH, LỚN MẠNH CỦA NGÀNH TUYÊN GIÁO QUA 90 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Thứ tư - 22/07/2020 13:50
Công tác tuyên giáo đã góp phần xây dựng, phát triển phong trào cách mạng, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng tháng Tám 1945, giành chính quyền về tay nhân dân (giai đoạn 1930 – 1945).
             Hệ thống tuyên giáo các cấp ngày càng được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ tuyên giáo không ngừng phát triển về số lượng, lớn mạnh về chất lượng
         Trải qua 90 năm, công tác tuyên giáo của Đảng ngày càng khẳng định sự trưởng thành, phát triển và lớn mạnh không ngừng.
         Tổ chức bộ máy hệ thống tuyên giáo cấp ủy đảng các cấp từng bước được đổi mới, kiện toàn chất lượng hoạt động ngày một được nâng lên. Đến nay, đã có 659 Ban Tuyên giáo quận, huyện, thị uỷ; 42 tỉnh, thành phố thành lập được hệ thống tuyên giáo cơ sở xã, phường, thị trấn (65%), một số tỉnh, thành ủy đang tiến hành xây dựng, nhiều nơi đang triển khai thực hiện thí điểm thành lập hệ thống tuyên giáo xã, phường, thị trấn.
         Đội ngũ cán bộ tuyên giáo giai đoạn đầu còn ít, lực lượng cán bộ “mỏng”, qua mỗi thời kỳ cách mạng, lực lượng ấy ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Hiện nay, tổng số cán bộ tuyên giáo chuyên trách của cấp ủy đảng từ Trung ương đến cấp huyện và tương đương trên cả nước là khoảng trên 3.800 người (cấp Trung ương: 319 người; cấp tỉnh, thành ủy: khoảng 1.200 người; cấp quận huyện, thị: 2.300 người). Lực lượng cán bộ tuyên giáo ngày càng đông đảo, không chỉ có đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên giáo của cấp ủy, mà còn có đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các phóng viên, biên tập viên báo chí, các chuyên gia, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức, cùng đông đảo đội ngũ cộng tác viên. Tính đến cuối năm 2019, chỉ tính riêng đội ngũ Báo cáo viên Trung ương đã có 490 người. Số lượng Báo cáo viên cấp tỉnh và tương đương là 3.945 người, Báo cáo viên cấp huyện và tương đương là 39.107 người; tuyên truyền viên ở cơ sở là 179.094 người (số liệu năm đến tháng 10/2017). Số cộng tác viên dư luận xã hội trên cả nước là 17.398 người (trong đó cấp Trung ương: 60 người; cấp tỉnh: 1.953 người; cấp huyện: 15.445 người).
Nhìn chung, các lực lượng, binh chủng làm công tác tuyên giáo ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo đều là những đồng chí có năng lực, đạo đức, tâm huyết, có trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị. Hiện nay, tổng số cán bộ tuyên giáo của 63 Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ có khoảng trên 1.200 người, với tuổi bình quân là 42,5; nữ trên 35%; bình quân 21,7 người/Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, trong đó, khoảng 70% được đào tạo trên nhiều lĩnh vực khác nhau; đảng viên là trên 80%. Trình độ học vấn: trên đại học là hơn 6%, đại học là trên 60%; trung cấp là trên 10%. Trình độ lý luận: cao cấp, cử nhân là gần 50%, trung cấp là trên 15%, sơ cấp là gần 10%. Số được đào tạo đúng chuyên ngành là trên 20%. Tổng số cán bộ tuyên giáo của 659 Ban Tuyên giáo quận, huyện, thị uỷ có trên 2.300, trong đó nữ chiếm trên 20%, đảng viên chiếm trên 80%, là người dân tộc thiểu số chiếm gần 10%. Trình độ đào tạo: Đại học, trên đại học gần 50%, Trung cấp trên 10%.  Trình độ lý luận: Cao cấp, cử nhân gần 50%, Trung cấp gần 30%, Sơ cấp hơn 20%. Có năng lực, kiến thức chuyên môn, hiểu biết nghiệp vụ, trách nhiệm với công việc; nhiều đồng chí có bề dày kinh nghiệm, đã trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo, công tác nhiều lĩnh vực (cấp ủy, chính quyền, đoàn thể).
Trong bối cảnh hiện nay, xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng mới, xu thế thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch không ngừng chống phá quyết liệt bằng mọi thủ đoạn, phương thức nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta; đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo ngày càng khẳng định bản lĩnh tư tưởng, năng lực tham mưu mới, sáng tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Thành công của cách mạng Việt Nam luôn có sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách và bán chuyên trách các cấp qua mọi giai đoạn cách mạng.
Ngành Tuyên giáo ngày càng thể hiện tính chủ động, tính chiến đấu, vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp đổi mới xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế
Công tác tham mưu của ngành Tuyên giáo với Ban Chấp hành Trung ương,        Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy Đảng mang tầm chiến lược và ngày càng thực hiện tốt vai trò đi trước mở đường, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.
 Nội dung, phương thức công tác tuyên giáo đổi mới, sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn; chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên; tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của cán bộ tuyên giáo các cấp ngày càng được phát huy. Công tác tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử đã có bước đổi mới tích cực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội với tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Công tác tư tưởng, tuyên giáo ngày càng nhanh nhạy đi trước mở đường, khắc phục căn bản tình trạng “chạy theo, nói lại”, “tầm chương trích cú”. Đặc biệt, đã sớm phát hiện và chủ động chỉ đạo, định hướng tuyên truyền những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, như vấn đề xây dựng Luật Đặc khu, vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, vấn đề Formosa, vụ việc cá chết ở Hồ Tây…
Công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được chú trọng đẩy mạnh, đạt hiệu quả thiết thực; việc đấu tranh, phản bác các quan điểm, sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng dần đi vào nền nếp và hoạt động ngày càng hiệu quả. Từ chỗ mới chỉ có một số bài viết đấu tranh nhỏ lẻ, rải rác trên báo chí; đến nay, ngành Tuyên giáo đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái, thù địch; bước đầu kết hợp hài hòa các biện pháp kỹ thuật, pháp lý, kinh tế và tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, quan điểm xấu độc nhất là trên không gian mạng, làm lành mạnh hóa môi trường thông tin truyền thông, internet và mạng xã hội.
Qua mỗi giai đoạn cách mạng, ngành Tuyên giáo không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, nhạy bén, đổi mới công tác tham mưu, không ngừng sáng tạo, tự làm mới mình, bắt kịp sự phát triển thời đại công nghệ 4.0, tổ chức triển khai các nhiệm vụ đồng bộ, bài bản có trọng tâm, trọng điểm, góp phần quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, lao động, sáng tạo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững ổn định kinh tế chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Tác giả bài viết: Kim Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây