Cho vay hộ sản xuất kinh, doanh vùng khó khăn: Tiếp sức cho vùng khó

Thứ sáu - 13/11/2020 10:54
Sau hơn 10 năm triển khai chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thực hiện đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân vùng khó huyện An Lão.
Cho vay hộ sản xuất kinh, doanh vùng khó khăn: Tiếp sức cho vùng khó
Đưa vốn về vùng khó
Chương trình cho vay vốn hộ SXKD được thực hiện trên địa bàn huyện An Lão từ năm 2007 theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giúp vốn cho các hộ gia đình tại những vùng khó khăn phát triển kinh tế. Đối tượng vay vốn của chương trình là các hộ gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động SXKD ở vùng khó khăn.
Ông Lê Văn Quy, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: An Lão là một huyện miền núi, kinh tế khó khăn, toàn huyện có 10/10 xã, thị trấn được thụ hưởng nguồn vốn của chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.
Ngay từ khi mới triển khai chương trình, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng.
Để thực hiện hiệu quả chương trình vốn, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xã, thị trấn. Đồng thời giao chỉ tiêu đến các xã, thôn; phối kết hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp, UBND các xã, thị trấn, các tổ tiết kiệm vay vốn tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay, của người dân. Nhờ làm tốt công tác giải ngân, nguồn vốn chương trình đã kịp thời đến các hộ có nhu cầu vay vốn. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2020, doanh số cho vay chương trình đạt 15,805 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đơn vị luôn chủ động rà soát nhu cầu vay vốn để tham mưu, đề xuất với ban đại diện cấp huyện, NHCSXH tỉnh cấp bổ sung vốn theo nhu cầu thực tế của người dân. Nhờ đó, đến cuối tháng 10/2020 toàn huyện có 820 hộ dân đang sử dụng vốn chương trình SXKD với dư nợ 36,747 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, một số xã có dư nợ cao như: An Hòa, An Tân, Thị trấn An Lão,...
Hiệu quả của chương trình
Từ nguồn vốn vay của chương trình, nhiều hộ dân đã sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh Phạm Công Phương, thôn Thanh Sơn, xã An Tân cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, mặc dù có đất đai rộng nhưng không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2012, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, tôi biết và được vay 30 triệu đồng từ chương trình vốn SXKD của NHCSXH. Từ số tiền đó, gia đình tôi đầu tư trồng hơn 100 cây dừa xiêm và mở rộng diện tích trồng thêm một số cây ăn quả. Đến nay, từ phát triển cây ăn quả, hằng năm, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Tương tự, gia đình anh Lê Thanh Tuấn, thôn Long Hòa, xã An Hòa cũng vươn lên phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay. Anh Tuấn chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD. Có vốn, gia đình nghiên cứu kỹ để lựa chọn xây dựng mô hình. Với kinh nghiệm chăn nuôi bò có từ trước, gia đình tôi đã đầu tư mua thêm bò giống. Đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, đầu năm 2018, gia đình vừa xuất bán 5 con bò, thu về gần 70 triệu đồng. Có thêm vốn, gia đình tôi đầu tư trồng hơn 2 ha keo lai, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây phát triển tốt, dự tính năm sau sẽ thu hoạch, ước tính thu về hơn 50 triệu đồng.
Cùng với 2 trường hợp kể trên, trong những năm qua, nhờ nguồn vốn của chương trình, nhiều hộ dân vùng khó khăn đã đầu tư phát triển SXKD hiệu quả. Ông Lê Văn Quy, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết thêm: Nhiều năm qua, chương trình này thực sự là động lực giúp các hộ dân vùng khó vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển SXKD, nâng cao thu nhập. Từ đầu năm 2018 đến nay, đây là một trong những chương trình cho vay có dư nợ tăng trưởng cao nhất. Qua kiểm tra hằng năm, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, chăn nuôi, trồng rừng, sản xuất kinh doanh… có hiệu quả.
Từ nguồn vốn vay chương trình hộ gia đình SXKD và các chương trình khác, chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020 đã giúp người dân vùng khó đầu tư chăn nuôi được trên 5.000 con gia súc; trên 66.200 con gia cầm; trồng được 665 ha rừng; cải tạo, trồng mới được gần 20 ha cây ăn quả; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 450 lao động, nhiều công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng mới. Qua đó giúp các hộ dân có thêm điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây