Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ sáu - 25/09/2020 07:47
Thời gian qua, huyện An Lão thực hiện tốt việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) gắn với giải quyết việc làm. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 36,34%, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn
Xác định đào tạo nghề cho LĐNT gắn với giải quyết việc làm là “chìa khóa” thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hàng năm, ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp tổ chức rà soát nhu cầu ngành, nghề đào tạo cho LĐNT; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm và theo từng giai đoạn; phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động sau khi học nghề;...
Kết quả từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức được 46 lớp đào tạo nghề với 1.499 lao động. Trong đó có 33 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 671 người, 13 lớp phi nông nghiệp với 933 người; người dân tộc thiểu số 704 người, hộ nghèo 611 người, hộ cận nghèo 177 người với tổng kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng, đạt 114,3%KH. Số lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo đạt trên 1.200 người, đạt 80% so với lao động được hỗ trợ đào tạo. Thông qua đào tạo nghề cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo với trên 200 hộ thoát nghèo và trên 650 hộ khá giả.
Được biết, trước khi mở các lớp dạy nghề cho LĐNT, địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, đồng thời, phối hợp các doanh nghiệp tạo việc làm cho học viên sau khi học nghề. Hơn hết, LĐNT được tiếp cận khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, đồng thời tạo việc làm cho lao động nông nhàn đối với những nghề phi nông nghiệp.
Năm 2016, xã An Tân, huyện An Lão có một số hộ dân cải tạo đất trồng bưởi da xanh. Nắm bắt được tình hình và nhu cầu học nghề của người dân, xã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở lớp Kỹ thuật trồng bưởi da xanh. Tại đây, các học viên được học kỹ thuật chiết cành, bón phân, cách nhận biết sâu, bệnh,... Ông Lê Minh Phúc, Thôn Thanh Sơn, xã An Tân, cho biết: “Gia đình có 0,5 ha đất. Trước đây, tôi trồng lúa nhưng hiệu quả không cao nên quyết định chuyển sang trồng bưởi da xanh. Ban đầu, tôi trồng bưởi theo kinh nghiệm. Sau khi tham gia lớp Kỹ thuật trồng bưởi da xanh, tôi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, nhận biết được sâu, bệnh và cách phòng trị cho cây. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 5 ha bưởi da xanh đang mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân”.
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Bé, xã An Hòa, sống bằng nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh trong khi 2 người con đang tuổi ăn học. Sau khi tham gia lớp May công nghiệp, chị Bé được giới thiệu việc làm trong doanh nghiệp, có thu nhập ổn định lo cho con học hành. Chị Bé trải lòng: “Nếu không được chính quyền địa phương tạo điều kiện học nghề may công nghiệp và giới thiệu việc làm thì cuộc sống gia đình tôi chưa được ổn định như hôm nay. Chính sách đào tạo nghề cho LĐNT thật sự mang lại hiệu quả”.
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Mục đích của đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 là tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Thời gian qua, An Lão thực hiện tốt mục tiêu này.
Do điều kiện phát triển kinh tế của huyện chủ yếu là nông, lâm nghiệp, tỷ trọng về phát triển thương mại, dịch vụ thấp; các cụm công nghiệp chưa phát triển mạnh. Điều kiện địa hình của huyện lại nằm xa các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh nên việc định hướng giải quyết việc làm cho người lao động là rất khó khăn. Vì vậy, giải quyết việc làm cho người lao động chủ yếu là thông qua đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ như mô hình liên kết may gia công của các cơ sở may tư nhân tại xã An Hòa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ năm 2015 đến nay rất hiệu quả.
Mô hình được Phòng Lao động-TB&XH, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp với Trung tâm GDNN - Hội LHPN tỉnh tổ chức. Cơ sở may gia công cũng là địa điểm tổ chức lớp dạy may. Sau khi hoàn thành khóa học, tất cả học viên đều có cơ hội làm việc tại các cơ sở may gia công này hoặc có thể thành lập các nhóm, tổ may gia công, hoặc nhận hàng về may gia công tại gia đình để tận dụng thời gian nhàn rỗi, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế gia đình, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế địa phương. Mô hình đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp đang được huyện triển khai với Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại An Sơn, hiện đã có gần 100 lao động làm việc tại cơ sở may đặt tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện An Lão. Đối với các lớp đào tạo nghề may công nghiệp, Công ty phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện trực tiếp tổ chức dạy thực hành cho học viên; kết thúc khóa học công ty cam kết nhận 100% học viên vào làm việc cho Công ty.
Bên cạnh kết quả, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn khó khăn, hạn chế. Việc vận động lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo học nghề rất khó khăn vì họ phải lo kiếm sống hàng ngày; chương trình đào tạo nghề cho LĐNT được triển khai thực hiện đã lâu (từ năm 2007) nên nhu cầu học nghề không còn nhiều; đầu ra các sản phẩm phi nông nghiệp không ổn định, chủ yếu theo thời vụ; một số mô hình dạy nghề chỉ tự tạo việc làm dẫn đến mức sống của người lao động đôi lúc còn bấp bênh, lệ thuộc vào thời vụ,...
Để giải quyết các khó khăn trên, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò của dạy nghề cho LĐNT, tăng thu nhập cho người lao động; tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT bảo đảm chất lượng, hiệu quả gắn với giải quyết việc làm, trên cơ sở bảo đảm phương châm chỉ tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề, trong đó có trên 80% LĐNT có việc làm sau học nghề...
So với những mục tiêu đề ra của Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, có thể khẳng định, chính sách này được An Lão triển khai linh hoạt, hiệu quả, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Thời gian tới, An Lão tiếp tục phát huy tốt hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

 

Tác giả bài viết: DD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây