Để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, huyện An Lão đã vận động các địa phương tập trung phát triển trồng cỏ chăn nuôi ven đường, ven đồi, đất trồng ngô kém hiệu quả để chăn nuôi trâu, bò. Đây là hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở hầu hết các xã, thị trấn, vừa giảm được công lao động chăn thả vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương. Được biết, để giúp bà con tiếp cận với hướng chăn nuôi mới, ngoài tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay, nguồn hỗ trợ của các cấp để mở rộng chăn nuôi. Hiện, trên địa bàn huyện có hơn 4.300 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng số 14.850 con; trong đó, có 11.200 con bò và 3.650 con trâu. Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh công tác vận động người dân tận dụng đất đồi và chuyển dần diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Đến nay, toàn huyện có hơn 25 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, trong đó, chủ yếu là các giống cỏ voi, VA06 và tập trung chủ yếu ở xã An Hòa, An Tân, thị trấn,… Đây là giống cỏ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh việc phát triển trồng cỏ, huyện cũng đã chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi và hướng dẫn chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc trong mùa Đông. Nhiều năm nay, các hộ dân ở địa phương đã coi việc mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò hàng hóa là một trong những cách để làm giàu. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, ông Nguyễn Quốc Triện, anh Võ Hồng Đỉnh,...ở xã An Tân; ông Nguyễn Văn Bảy, Đỗ Cao Xưa,...ở xã An Hòa mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò hàng hóa. Trồng cỏ phát triển chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn huyện An Lão đang là mô hình phù hợp trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện để bà con nông dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, ngoài diện tích trồng cỏ tập trung ở một số xã, thị trấn thì hầu hết vẫn còn manh mún; số hộ dân đầu tư trồng cỏ chăn nuôi vẫn còn ít so với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Do vậy, cùng với việc quy hoạch diện tích đất trồng cỏ cho mỗi vùng, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích trồng cỏ, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.