Những năm qua, huyện An Lão đã đẩy mạnh thực hiện chính sách giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và các cộng đồng thôn, làng. Nhờ đó, không chỉ góp phần giữ rừng mà còn giúp người dân, nhất là ở các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, huyện An Lão có hơn 60.200 ha đất lâm nghiệp, trong đó đã thực hiện chủ trương giao 22.737,7 ha (Rừng phòng hộ: 15.228,5 ha, Rừng đặc dụng: 7.509,2 ha) cho các tổ chức, hộ gia đình tại 32 thôn trên địa bàn nhận khoán quản lý, bảo vệ với định mức 400.000đ/ha/năm. Việc giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình đã và đang góp phần tích cực trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, đốt nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, với phương châm “Tôn trọng, quan tâm đến cuộc sống cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân...”, Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo BQLRPH phối hợp cùng Hạt kiểm lâm huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, ngăn chặn không cho người dân vào rừng hoạt động trái phép; đồng thời khuyến khích người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở các xã miền núi dân tộc thiếu số, sinh sống gần rừng chăm sóc bảo vệ rừng. Trong 6 tháng đầu năm, đã tổ chức 09 cuộc họp triển khai tại 09 xã, thị trấn và 32 buổi họp dân với 2.118 lượt hộ tham gia để triển khai cụ thể các văn bản về phòng cháy, chữa cháy và quản lý bảo vệ rừng; Tổ chức cho nhân dân thuộc 32 thôn nhận khoán bảo vệ rừng ký cam kết thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó, BQLRPH cùng Hạt kiểm lâm huyện phối hợp xây dựng các kế hoạch, phương án kiểm tra, bảo vệ rừng; phối hợp với UBND các xã, kiểm lâm địa bàn, tổ quản lý bảo vệ của các thôn tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng yếu, điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, xâm lấn đất rừng, săn bắt động vật trái phép... Từ đầu năm tới nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức 81 lượt tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm đến công tác quản lý bảo vệ rừng; tổ chức 06 đợt phá bỏ cây trồng trái phép, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện lên 82%. Cùng với việc giao khoán, bảo vệ rừng, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm được thực hiện đúng thời gian quy định, công khai, minh bạch đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân. Với việc triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ, tin rằng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho Nhân dân trên địa bàn huyện An Lão.